Nhà xuất bản Khoa học xã hội(Hà Nội tháng 11/2015) vừa xuất bản cuốn “Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam trong hành chức”(trên tư liệu truyện ngắn và tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay) của một nhóm tác giả khoa Ngữ văn trường đại học Vinh, do Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Kim Liên làm chủ biên.
“Xem xét, nghiên cứu, xuất bản thành, Từ điển các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong các truyện ngắn, tiểu thuyết vốn là những thể loại văn học có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, là môi trường lý tưởng của thành ngữ và tục ngữ tạo thành sự khác biệt của cuốn từ điển”. Đó là nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ (Đại học Khoa học Xã hội- Đại học quốc gia Hà Nội) trong lời giới thiệu 1.
Còn Giáo sư Tiến sĩ Lê Quang Thiêm (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) trong lời giới thiệu 2 thì cho rằng: “Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam mới có một công trình sưu tầm, thu thập thành ngữ, tục ngữ qua nhiều văn cảnh, văn bản, diễn ngôn sống động, mới mẻ mà nhiều nhà văn khác nhau, thuộc nhiều khuynh hướng sáng tạo, trong nhiều tác phẩm khác nhau, thuộc hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, trải dài trong thời kỳ gần 80 năm”.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Kim Liên, Thành ngữ là cụm từ cố định, có cấu trúc hoàn chỉnh, có ý nghĩa biểu trưng gợi cảm nhằm thực hiện chức năng cấu tạo câu. Còn Tục ngữ là đơn vị của ngôn ngữ có cấu trúc của câu mang tính thẩm mỹ, vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng, nhằm cấu tạo đoạn văn theo quan hệ suy ý, lập luận…
Từ quan niệm như vậy, nhóm nghiên cứu đã làm việc ròng rã trong 3 năm, hoàn thành cuốn Từ điển dày hơn 800 trang, với lời giới thiệu rất công phu của các tác giả.
Đây là một cuốn từ điển rất bổ ích với những người muốn sử dụng tiếng Việt cho nhuần nhị, phong phú, giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt. Từ điển giải nghĩa tiếng Việt đã là một loại từ điển rất cần cho người Việt, từ già đến trẻ. Trong loại từ điển này, đến nay có thêm một cuốn từ điển mới đi sâu nghiên cứu thành ngữ tục ngữ “hành chức trong văn bản nghệ thuật”. Cấu tạo hài hoà cân đối,về ý nghĩa bóng bẩy (hoặc ý nghĩa biểu trưng, hình ảnh), có sự hoà phối vần nhịp, thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trong văn bản văn học với số lượng lớn, nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết…Việc nghiên cứu quy luật sử dụng của chúng trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp ích rất nhiều cho những sáng tác văn học hôm nay và ngày mai. Cuốn Từ điển như vậy là cần thiết cho nhiều người.
Riêng đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ học, biên soạn từ điển… “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức”còn đóng góp thêm một phương pháp tiếp cận và xử lý tư liệu, vận dụng tối đa nguồn nhân lực để sớm hoàn thành việc biên soạn. Đồng thời đưa ra những phát hiện mới về nội dung, hình thức thể hiện, sức sống trong hoạt động ngôn ngữ của xã hội đối với hai đơn vị ngôn ngữ “xưa như trái đất” là thành ngữ và tục ngữ trong sự phát triển của nền văn hoá nước Việt.
Ở đây chúng ta được hưởng lợi từ sự trình bày có hệ thống những quan niệm khác nhau về thành ngữ và tục ngữ, sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ, bảng thống kê” tần số thành ngữ, tục ngữ xuất hiện từ 10 - 23 lần”. Chúng ta có sự nhận xét khái quát về ngữ âm, cấu tạo, ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ trong hành chức trên tư liệu truyện ngắn, tiểu thuyết.
Trong lời cuối của phần giới thiệu, thay mặt các tác giả, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Kim Liên bày tỏ mong muốn: trong thực tế sử dụng, thành ngữ tục ngữ có khá nhiều biến dạng khác nhau, nghĩa khác với những nghĩa đã quen thuộc do sự phát triển của xã hội, cần được đi sâu phân tích, mô tả để chỉ ra sự sinh động của hiện thực đời sống một cách đầy đủ hơn. Nếu thành công, kết quả này có thể phục vụ trong giảng dạy và học tập phần thành ngữ, tục ngữ trong tác phẩm. Nhờ đó có thể đối chiếu chúng với những ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung…một cách phù hợp, đúng với nghĩa của chúng trong sử dụng.
NXB Horami phát hành Từ điển Việt – Đức bằng tranh đầu tiên
“Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam trong hành chức” là cuốn sách cần thiết trên bàn làm việc của các bạn./.