Chiều 26/7, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam khai mạc Triển lãm Mỹ thuật ở hai mảng đề tài “Tranh biếm hoạ” và “Công - Nông nghiệp và thiên nhiên môi trường miền núi”.
Ở mảng đề tài về “Công – Nông nghiệp và thiên nhiên môi trường miền núi”, có 67 tác phẩm trên nhiều chất liệu, nhiều hình thức thể hiện khác nhau của 49 tác giả. Các tác phẩm lần này sáng tác trong bối cảnh năm 2011 được Liên Hợp Quốc lấy là năm “Rừng - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”. Các bức tranh tham gia triển lãm ở mảng đề tài này chủ yếu là sản phẩm của các hoạ sĩ sau một số chuyến đi vẽ thực tế tại Hà Giang, Lào Cai, Mù Căng Chải cùng nhiều vùng núi xa xôi khác nhau.
Thông qua tranh tái hiện rừng núi nước ta trùng điệp, nên thơ, trù phú, với các dân tộc anh em cần cù lao động, một lòng bảo vệ bản sắc dân tộc và giữ gìn biên cương Tổ quốc, các tác giả muốn nhắc nhở công chúng ý thức đúng hơn về những giá trị rất đáng trân trọng và tự hào đó. Đồng thời, giúp công chúng cảm nhận sâu sắc hơn thực tế để biết đau trước sự mất đi của những cánh rừng do chính con người tàn phá.
Hoạ sĩ Vũ Đăng Đính, một trong số các tác giả có tranh tham gia triển lãm ở mảng đề tài này chia sẻ: “Triểm lãm tranh ở mảng đề tài về thiên nhiên, môi trường thể hiện ý nghĩa xã hội rất cao, ý nghĩa nhân văn rộng lớn. Chất lượng nghệ thuật lần này cao hơn các lần trước và phong phú đề tài. Đây là cơ hội để các hoạ sĩ góp sức mình bảo vệ môi trường nước nhà và thế giới”.
Mỗi tác phẩm tham gia triển lãm sẽ góp phần lên tiếng bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống, đặc biệt là vùng cao nghèo khó, quan tâm đến tập tục văn hoá, sản xuất của đồng bào miền núi, nâng cao dân trí của các dân tộc Việt Nam anh em.
Bên cạnh đó, ở mảng đề tài về “Tranh biếm hoạ”, có 28 tác giả tham gia triển lãm 112 tác phẩm. Các tác phẩm ở mảng đề tài này xoáy trọng tâm vào việc dùng tiếng cười hài hước để phê phán xã hội, phê phán những thói hư tật xấu đang làm cản trở sự phát triển xã hội ta.
|
Tranh biếm hoạ tại triển lãm |
Hoạ sĩ Bằng Lâm cho biết: “Các tranh biếm hoạ trong triển lãm này thể hiện tấm lòng yêu nước và phản ánh quá trình xây dựng, đổi mới đất nước toàn diện. Không chỉ nâng cao chất lượng nghệ thuật hơn các lần trước, tranh lần này thể hiện được hiện thực cuộc sống, phê phán tốt những thói hư tật xấu, ca ngợi những điều tốt đẹp. Nó thể hiện rõ chủ trương của các nghệ sĩ là xây dựng một nền nghệ thuật vừa mới vừa giàu tính nhân văn, hiện đại, góp phần giáo dục lý tượng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Hoạ sĩ Phạm Tân Phú cho rằng: “Tranh biếm hoạ là nghệ thuật vẽ hài hước để phê bình xã hội giúp công chúng dễ tiếp cận, cảm nhận ngay lập tức. Nó có thế mạnh trong đấu tranh chống tiêu cực không né tránh để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn”.
Chị Chu Thị Hảo, một khán giả xem tranh tại triển lãm cho biết: “Xem các tranh triển lãm thấy rất bổ ích, thiết thực, đặc biệt khi xem tranh biếm hoạ cảm nhận được sau tiếng cười là những bài học rút ra để mình nhận thức tốt hơn, đúng hơn về cuộc sống và tự thấy phải phấn đấu sống tốt hơn nữa trong xã hội”.
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày09/8/2011./.