Không nhiều nhà tư tưởng có thể để lại những dấu ấn không dễ xóa nhòa trong thời đại này như Jean-Jacques Rousseau (1712 -1778). Sinh ra tại Genève trong một gia đình thợ sửa đồng hồ, ông đã sống lang thang gần hết cuộc đời, khắp các vùng của Thụy Sĩ, Pháp, Italia, Phổ, Anh... – có lúc do ông tự bỏ đi, có lúc do bị xua đuổi. Trên những nẻo đường ấy, tư tưởng của ông đã nảy nở, và rồi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc Cách mạng Pháp cũng như là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa Lãng mạn sau này.
Ngày nay, Rousseau được đọc và nghiên cứu rộng rãi bởi cái nhìn sâu sắc của ông về thân phận con người. Hầu hết những gì chúng ta gọi là cảm thức hiện đại thì đều đã nằm trong các sáng tác của Rousseau. Rousseau còn khám phá một lục địa đen tối – cái tôi hiện đại – bằng chính tự truyện của mình – Những lời bộc bạch hay Tự thú của ông.
Cuốn tự truyện được chia thành hai phần khác biệt nhau rõ rệt. Như tác giả nói rõ, phần Một dành cho ba mươi năm của tuổi thanh xuân với những hồi ức tươi mát và êm đềm, với “muôn ngàn ấn tượng thú vị”. Phần Hai thuật lại quãng thời gian tương tự, đầy những biến động trong cuộc chiến đấu với bản thân, với xã hội: vinh quang, danh tiếng, khổ đau, tai họa...
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Rousseau (1712-2012), Nhà xuất bản Tri thức giới thiệu với bạn đọc tác phẩm Những lời bộc bạch, Lê Hồng Sâm dịch. Buổi giới thiệu sách được tổ chức tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội, từ 18h ngày 25 tháng 9 năm 2012, với sự tham gia giới thiệu của dịch giả Lê Hồng Sâm cùng sự bình luận của các nhà nghiên cứu văn học Lê Phong Tuyết, Cao Việt Dũng./.