Sau vụ việc xảy ra ở vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị kiểm soát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn - khi đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Phải tổ chức thế nào để Lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa của nó, chứ không phải là những biểu hiện như mổ thịt trâu bán giá cao, phó thác cho các chủ có trâu chọi nuôi trâu, huấn luyện trâu, thậm chí là có hành động như là gọt sừng trâu cho sắc... Những điều đó chỉ thể hiện sự ganh đua, ăn thua mà không thể hiện được hồn của lễ hội là giáo dục truyền thống cộng đồng".

choi_trau_vov_sqvp_grib_nldb.jpg
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu địa phương thực hiện các hình thức tổ chức phù hợp trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là nội dung tổ chức các nghi lễ truyền thống tại địa phương đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị của di sản. 

Cục Di sản Văn hóa rà soát quy trình thực hành lễ hội, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa; cơ quan quản lý và cộng đồng về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.

Về phía Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng, Bộ đề nghị tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và cộng đồng để đưa ra giải pháp tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt./.