Trong không khí đầu xuân năm mới, chiều và tối 26/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức tái hiện hội Hát Cầu huê của người Việt vùng An Khê.

kinh_thuong_1_copy_bjtb.jpg
Đây là một trong các lễ hội Tế Xuân, thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng trong buổi đầu người Việt lên lập nghiệp trên cao nguyên.

Không gian lễ Tế Xuân truyền thống của người An Khê trong hội Hát cầu huê được tái hiện gồm: khu vực vui chơi, giao lưu của người Kinh và người Thượng; khu vực chợ Kinh – Thượng; và khu vực hát cầu huê (gồm hát bội, hát bài chòi, hát giao duyên, cồng chiêng …).

Tại lễ hội có nhiều trò chơi như diễn voi, đua ngựa, bắn cung, đấu võ, tiệc rượu cần, hội cồng chiêng, kéo co, đá gà, trèo cột mỡ.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, người Việt và người Ba Na cũng tranh thủ mang hàng hóa ra trao đổi, mua bán, giao lưu.

Đây được coi là không gian quan trọng thể hiện tình đoàn kết của người Kinh và người Thượng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong lễ hội này đặc biệt có không gian chợ Kinh – Thượng, được tổ chức ở các gò chợ phía tây của đình An Lũy, nơi mà người Kinh và người Thượng đem hàng đến giao lưu, buôn bán, trao đổi. Bên cạnh cái mục đích trao đổi buôn bán thì ý nghĩa lớn nhất, là mong ước mọi người muốn đạt được là sự giao lưu văn hóa, sự gắn kết giữa người Kinh và người Thượng.”

Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, hội Hát cầu huê là lễ hội Tế Xuân lớn nhất của người Việt ở An Khê, tỉnh Gia Lai. Thời điểm chính của lễ hội là ngày 10/2 âm lịch hàng năm, khi nhân dân các dân tộc vùng An Khê tổ chức Tế Xuân ở Đình An Lũy, thị xã An Khê, ngôi đình cổ nhất của người Việt trên vùng đất này.

Ông Lê Khắc Thiện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho rằng, sau 60 năm thất truyền, việc phục dựng lễ hội này có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn văn hoá: “Nói chung, Hát cầu huê đã mai một. Bây giờ được các nhà nghiên cứu và văn hóa đi sâu bổ sung hoàn chỉnh tư liệu lịch sử, tổ chức lại lễ hội này ở vùng An Khê và trung tâm thành phố Pleiku, tôi cho rằng hết sức ý nghĩa. Chúng ta thiết thực khôi phục lại bản sắc văn hóa của một vùng cao nguyên Gia Lai”.

Hội Hát cầu huê được tái hiện, còn tạo không gian cho đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai vui xuân lành mạnh; giúp nhân dân hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất; củng cố, phát huy tình đoàn kết, thêm gắng sức để xây dựng Gia Lai vừa giàu về kinh tế, vừa đậm đà bản sắc văn hoá./.