Càng thấy ý nghĩa hơn đó là phiên chợ vào chiều 30 Tết bởi lẽ đây là thời điểm cuối cùng để mỗi gia đình sắm sửa chuẩn bị những vật dụng cần thiết cuối cùng chuẩn bị cho 3 ngày Tết.

Những phiên chợ ấy luôn là nét văn hoá tinh thần vô giá của mỗi người dân đất Việt và tô thắm thêm nét đẹp trong văn hoá truyền thống của mỗi vùng quê Việt Nam.

Quang cảnh chợ Tết tại một vùng quê Việt Nam

Chợ Ðọ, xã Ðông Sơn, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình vốn là chợ phiên nên vào ngày cuối cùng của năm cũ mọi lối đi đều đông đúc, chật ních từ người già đến người trẻ.

Không chỉ có người dân tại xã đến mua bán mà có cả người dân tại các xã lân cận và nhiều người con xa quê về ăn Tết. Đối với những người con xa quê, thì họ đến với chợ Tết không phải vì vẻ bề ngoài náo nhiệt mà đi chợ Tết như thói quen thể hiện nét văn hoá tinh thần nghìn đời của dân tộc.

Bởi vậy, bên cạnh các hoạt động mua bán nhộn nhịp, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nụ cười rạng rỡ khi được gặp lại người quen, những lời hỏi han về tình hình sức khỏe, công việc trong năm qua. Tất cả đã tạo nên những giá trị rất riêng mà chỉ phiên chợ quê ngày Tết mới có được.

Bà Vũ Thị Hạnh, một người con xa quê về ăn Tết, nói: "Ngày 30 Tết thì những người đi xa quê trở về thăm quê cũng là ngày người ta đi ra chợ và hồi tưởng lại phiên chợ Tết của thời thơ ấu, người ta đi người ta ngắm, xem và hưởng thụ không khí Tết như thế nào. Nên ngày 30 Tết ở phiên chợ Tết quê thì mọi ngưòi rất hồ hởi phấn khởi nhưng rất tất bật".

Phiên chợ ngày 30 Tết thường được họp cả ngày khiến cho không khí vùng quê càng thêm nhộn nhịp. Góc thì rực rỡ của sắc hoa, góc lại toàn là rau tươi, củ quả.

Phía cổng chợ là một dãy hàng thịt tươi với những tiếng dao lách cách nghe đến vui tai. Ở chính giữa là dãy hàng quần áo với đủ loại sắc màu, đây thường là nơi được chú ý và đông vui nhất chợ. Đâu đó bên kia góc chợ những cụ già dù lưng đã còng và chân đã yếu nhưng cũng cố gắng mang quả cau và lá trầu mang ra chợ bán.

Điều đặc biệt, Phiên chợ ngày Tết ngày 30 Tết, ai ai cũng không quên mua lá mùi già. Bởi lẽ, từ nhiều đời nay, thói quen đun nước lá mùi già để tắm trong ngày 30 Tết đã là một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần.

Với rất nhiều người, được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ.

Vì vậy, dù công việc có bận rộn đến mấy, gia đình chị Bùi Thị Hà, vẫn luôn duy trì tục tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết.

"Đi chợ ngày 30 Tết là phiên chợ thì tôi không thể quên mua mớ mùi già. Đây là phong tục truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt nam. Tôi chưa biết nó có ý nghĩa sâu xa như thế nào nhưng mà trong tâm niệm tôi chỉ mong muốn mớ lá mùi sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho năm mới", chị Hà chia sẻ.                                            
Đào biếc, mai thắm, quất vàng, mâm ngũ quả và hương vị của mớ mùi già... là những khúc dạo đầu ấm áp, vui tươi, báo hiệu Tết đến rất gần.

Trong sự hối hả, bận rộn của cuộc sống, chợ Tết lại giúp mỗi người tìm lại nét văn hóa riêng mà bao thế hệ đã gìn giữ, vun đắp.

Chính những điều này đã làm nên giá trị văn hóa của chợ Tết đồng thời khẳng định những giá trị truyền thống quý báu sẽ trường tồn cùng với sự đổi mới đi lên của quê hương, đất nước./.