Đã quá quen với những ngày Tết sum vầy tại quê nhà, bên cha mẹ, vợ chồng con cái, người thân và hàng xóm láng giềng, thế nhưng với hơn 220.000 người Việt đang học tập, sinh sống tại vùng lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc, không phải ai cũng có điều kiện trở về quê hương đón Tết. Trong chuyến công tác của nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tới Đài Loan những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, chúng tôi may mắn được dự buổi gặp mặt tất niên với đông đảo người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại thành phố Đài Bắc. Sự kiện do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức.

tet-viet2.jpg
Đông đảo người Việt và các vị khách Đài Loan tham dự buổi gặp mặt tất niên

Đón Tết Việt qua… Facebook

Từ rất sớm, tại nhà hàng Minh Ký của vợ chồng anh Ngô Càn Minh, ở số 536/1 nằm trên đường Khang Ninh, đông đảo người Việt đã tụ tập tại đây để cùng nhau sửa soạn Tết. Những người Việt Nam dự buổi tất niên thuộc nhiều thành phần: trí thức, lao động, cô dâu. Họ mang theo cả con cái, thế hệ “F2” để các cháu cảm nhận được không khí Tết truyền thống quê ngoại. Mọi người tíu tít hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc, chia sẻ những kỷ niệm đón Tết tại quê nhà thuở ấu thơ và cùng nhau gói bánh chưng xanh, trang trí ban thờ, đào quất, mâm ngũ quả… Dù tất niên xa quê, nhưng từ lá dong, lạt giang, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, khuôn làm bánh… đều đủ cả. Nồi luộc bánh chưng cũng đã được chất củi đun. Nhiều người mắt đã cay cay, không phải vì khói bếp lan tỏa khắp nơi, mà xúc động trước tình cảm của những người con xa quê dành cho nhau.

Chị Trương Thị Bích ở Lý Nhân, Hà Nam sang làm giúp việc gia đình tại Đài Loan từ năm 2003. Năm đầu tiên sang đây, chị được cùng cộng đồng người Việt tại Đào Viên tổ chức ăn tất niên. Năm nay, chị được về Đài Bắc ăn Tết cùng mọi người, và cứ thế đã 10 cái Tết chị xa quê. Là người con dòng dõi Lạc Hồng, ai cũng muốn trở về sum họp, quây quần bên người thân trong những ngày Tết, vì thế những lúc như thế này, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con, bố mẹ, quê hương trong chị lại trỗi dậy. Chị Bích tâm niệm, vì mưu cầu cuộc sống nên bản thân phải bươn chải, hy sinh một đoạn ngắn của cuộc đời để có thể làm gì đó cho tương lai của mình và con cái ở quê nhà.

Chị Trương Thị Bích chia sẻ cùng phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam cảm xúc ngày Tết

Chị Bích có có hai cháu trai. Cháu lớn đang học cao đẳng Điện lực năm cuối, cháu nhỏ đầu Xuân mới sẽ lên đường nhập ngũ. Dẫu biết rằng, ngày đầu tiên con khoác áo lính, không được mẹ nấu cho bữa cơm liên hoan và tiễn chân là một sự thiệt thòi đối với cậu con trai, nhưng chị vẫn thường xuyên gọi điện, liên lạc qua mạng Internet để động viên con; động viên chồng ở nhà chăm sóc người cha già đã hơn 80 tuổi.

Chị Bích kể: “Buồn nhất là 3 năm đầu tiên khi sang đây. Bữa cơm 30 Tết xa quê mà nước mắt lưng tròng. Những năm tiếp theo cũng vậy. Song tôi nghĩ phải đặt niềm tin và nghị lực cho mình. Tôi may mắn được nhà chủ rất tốt bụng và hết sức tạo điều kiện, nên phải cố gắng để làm sao đời con không khổ như mình. Đã bước chân ra đi làm việc tha phương thì phải xác định khổ hơn ở nhà. Tôi mong thế hệ của chúng tôi ra đi làm việc ở nước ngoài, thì thế hệ con cháu ở trong nước có công ăn việc làm ổn định, sẽ không phải đi làm thuê ở nước ngoài nữa”.

Giống như chị Bích, chị Đặng Thị Phương Lan, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, sang làm giúp việc gia đình tại Đài Loan đã được 11 năm. Chị chỉ có thể về thăm gia đình vào dịp hè, khi đó gia đình chị mới được sum vầy bởi đứa con lớn của chị đang du học ngành Văn hóa tại Nhật Bản. Chị Lan chia sẻ: Là một người mẹ, người vợ, những ngày giáp Tết này ai cũng muốn về ăn Tết với gia đình, bởi chỉ có ở Việt Nam, chúng ta mới có thể hưởng một cái Tết trọn vẹn, đầy ý nghĩa nhất.

Chị Đặng Thị Phương Lan cùng chị em người Việt tại Đài Bắc gói và nấu bánh chưng đón Tết (Ảnh nhân vật cung cấp)

Mở trang Facebook cho chúng tôi cùng xem, chị Lan cho biết, anh chị và các con có thể lên mạng nói chuyện với nhau bất cứ lúc nào. Mỗi đêm Giao thừa xa quê, đón Tết Việt qua… webcam, chị lại thấy mình như có lỗi với gia đình. Song, những buổi tất niên, gặp mặt đầu Xuân, những chương trình văn nghệ do cộng đồng người Việt ở Đài Bắc tổ chức đã giúp những người con xa quê xích lại gần nhau hơn, cảm thấy nghĩa tình ấm áp như đang ở quê nhà.

Những sứ giả mang Tết Việt ra nước ngoài

Những người Việt chúng tôi gặp tại đây, mỗi người một công việc, cương vị khác nhau song đều nói rằng, người Đài Loan tôn trọng tín ngưỡng của những người di dân mới, nên họ hoanh nghênh người Việt đón Tết Nguyên đán theo tập quán của dân tộc. Tết của người Đài Loan không có bánh chưng, bánh tét, vì thế họ rất tò mò về những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của ta. Chị Trương Thị Bích cho biết thêm: Bất cứ người Đài Loan nào muốn tìm hiểu về Tết Việt, chị luôn vui vẻ giải thích để họ hiểu rằng Tết truyền thống của Việt Nam không giống như ở các nước khác và rất đặc biệt.

Ông Bùi Trọng Vân, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cùng phu nhân tham gia gói bánh chưng

Có người hỏi chị Bích là tại sao Tết Việt Nam lại gói bánh chưng vuông? Chị giải thích rằng bánh chưng tượng trưng cho khối đoàn kết của Việt Nam, “trời tròn đất vuông”. Trong bánh chưng có rất nhiều thành phần, từ hạt gạo nhỏ mang nặng mồ hôi nước mắt của người nông dân, lá dong bên ngoài thể hiện sự đùm bọc của cha mẹ, của đất nước với người con Việt Nam. Vì thế rất nhiều người Đài Loan đã hiểu được biểu tượng rất đẹp của bánh chưng xanh ngày Tết Việt.

Buổi gặp mặt tất nhiên cũng thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đài Loan tới dự. Sinh viên Trang Hồng Ngọc, đang theo học năm thứ 4 ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Minh Truyền, cho biết không có gì vui và hạnh phúc hơn được trở về Việt Nam đón Tết, được ăn bữa cơm tất niên cùng bố mẹ, được nghe bố mẹ kể về những cái Tết thời bao cấp với cảnh xếp hàng mua đèn dầu, mứt tết…

Từng đón Tết tại Đài Loan, thế nên được gặp gỡ cộng đồng người Việt khiến em cảm giác như đang được quây quần bên gia đình. Ngọc cho rằng, mặc dù thế hệ trẻ được học nhiều hơn về văn hóa nước ngoài, song với cái Tết cổ truyền dân tộc, những nét đẹp cha ông để lại rất cần được lưu giữ, phát huy trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hôm nay.

Chủ nhà hàng Minh Ký, anh Ngô Càn Minh, là người Việt gốc Hoa cho biết: Anh chị bồng bế hai con gái nhỏ từ TP Hồ Chí Minh sang Đài Loan từ năm 1990. Trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 40 tuổi, anh chị quyết định mở quán ăn Việt Nam để đỡ quê nhà, cũng với mong muốn trở thành địa chỉ thân quen để người Việt ở đây có điều kiện gặp mặt, giao lưu, chia sẻ tình cảm.

Quán Minh Ký được bài trí đậm hồn Việt với mái cọ, vại sành, chum nước, con thuyền, cùng với hình ảnh thiếu nữ trong trang phục áo tứ thân… Thực khách đến đây đã quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam, qua đó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xinh đẹp, hồn hậu, mến khách được anh quảng bá rộng rãi hơn. Hai con gái của anh chị đã xây dựng gia đình với những người chồng Đài Loan. Để gợi nhớ về Tổ quốc, cặp cháu trai song sinh của con gái được anh đặt tên là Thăng và Long để mai này các cháu lớn lên sẽ mang hình ảnh của Hà Nội, thủ đô thiêng liêng của người Việt Nam.

Hôm nay, vợ chồng, con cháu anh rất vui vì được đón tiếp đông đảo người Việt tới dự tiệc tất niên và làm bánh chưng đón Tết. Bữa cơm truyền thống anh đã chuẩn bị đủ đầy, đậm chất Tết Việt với chè kho, gà luộc, canh măng, thịt đông… Bên cạnh đó là cành đào phai, cây quất lúc lỉu quả vàng mọng.

Anh kể: “Đã mấy chục năm đón Tết xa Tổ quốc, thế nên được gặp đông đảo bà con, anh thực sự xúc động như gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Tất niên tại nhà hàng cũng là dịp để anh tri ân những người Việt tại Đài Bắc nói riêng, Đài Loan nói chung, đã ủng hộ vợ chồng anh trong suốt những tháng ngày cơ cực khi đặt chân tới mảnh đất này, tạo cơ hội cho bà con có một cái Tết xa quê – tuy chưa thể bằng ở Việt Nam, nhưng ấm cúng, thắm đượm tình người con đất Việt”.

Ông Vũ Văn Long, Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Đài Loan cho biết: Đa số người Việt ở đây gói hoặc mua bánh chưng xanh ăn Tết. Do đó, Hội đã chăm lo Tết sớm cho cộng động người Việt tại Đài Loan thực sự ấm áp, vui vẻ, để họ có cảm giác như được đón Tết tại quê nhà./.