Ngày 9/10/2011, nhân kỷ niệm 57 năm ngày giải phóng Thủ đô, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng chính thức ra mắt tại 130/1B đường số 8, Lê Văn Thọ, P. 11, Q. Gò Vấp, TP. HCM. Việc ra mắt CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tại TP. Hồ Chí Minh là một cách thể hiện tình yêu với Hà Nội nói chung, với tác giả và tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng nói riêng.

Mục đích của CLB là tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cho những người thích đọc sách, cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách hay, có giá trị của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng như về các tác giả, tác phẩm khác có tác động đến văn hoá đọc; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các tác giả, các nhà phê bình nhằm tôn vinh, thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng.

CLB Người yêu sách Nguyễn Huy TưởngĐịa chỉ liên lạc: 130/1B Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM email: 
clb_nguyenhuytuong@yahoo.com.vn
Điện thoại: 08.38958396 - 0909210761 
CLB Người yêu sách rất vinh dự được gia đình nhà  văn Nguyễn Huy Tưởng đồng ý lấy tên nhà văn cách mạng tiền bối Nguyễn Huy Tưởng làm tên của CLB. Được mang tên ông là một niềm tự hào của tất cả thành viên, cũng là một tiền đề để CLB hướng các hoạt động của mình vào việc tìm hiểu, quảng bá, tôn vinh tác phẩm và sự nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời mở rộng sự quan tâm đối với các tác giả cùng thế hệ với ông hoặc sau ông, nhằm góp phần tôn vinh văn học Việt Nam cùng các giá trị văn hoá Việt. 

Bên cạnh các buổi sinh hoạt được tổ chức hàng tháng, CLB còn cho ra bản tin nội bộ Người yêu sách. Hướng tới kỷ niệm 100 ngày sinh của Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912-6/5/2012) CLB sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu, toạ đàm về các tác phẩm của ông do thành viên CLB sưu tầm, lưu giữ. 

Theo ông Phạm Thế Cường, Trưởng ban điều hành CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng: CLB mở cửa cho bất cứ cá nhân nào yêu thích hoạt động đọc sách và quan tâm đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960)

Ông là một trong những nhà văn đầu tiên của văn học cách mạng Việt Nam, thành viên nòng cốt của tổ chức Văn hóa Cứu quốc từ hồi bí mật, được cử đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào tháng 8/1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hoá Cứu quốc, và là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam và góp phần xây dựng nền Văn nghệ kháng chiến từ buổi đầu.

huytuong.jpg
Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết văn từ rất sớm, nhưng phải đến đầu những năm 1940 ông mới có những tác phẩm nổi tiếng như: Đêm hội Long Trì (1942); Vũ Như Tô (1943); Cột đồng Mã Viện (1944); An Tư (1944). Sáng tác của ông đề cao tinh thần dân tộc và giàu cảm hứng lịch sử. 

Từ  sau Cách mạng tháng Tám, ông có nhiều đóng góp trong việc phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến với những tác phẩm đậm chất anh hùng và không khí lịch sử như: Bắc Sơn (1946); Những người ở lại(1948); Ký sự Cao Lạng (1951); Bốn năm sau (1959); Sống mãi với Thủ đô(1961)… 

Nguyễn Huy Tưởng còn viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích như: Cô bé gan dạ (1940), Chiếc bánh chưng (1942), Tìm mẹ (?); An Dương Vương xây thành Ốc (1957), Kể chuyện Quang Trung (1959), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960)... Ông là người tâm huyết xây dựng tủ sách Kim Đồng cho thiếu nhi trong những năm chống Pháp và sau ngày kháng chiến thành công, Nguyễn Huy Tưởng là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng (6/1957).