Phục dựng các lễ hội là việc làm cần thiết và ý nghĩa trong việc bồi đắp đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương. Với mục đích như thế, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh đã lần đầu tiên phối hợp với UBND huyện Đầm Hà phục dựng lại Lễ hội Đình Tràng Y, diễn ra từ 25 tháng giêng âm lịch hàng năm.

1q_dau_pcim.jpg
Đông đảo nhân dân về dự lễ hội.

Đình Tràng Y (còn gọi đình Áo dài) có lịch sử từ lâu đời. Theo các cụ cao niên kể lại, để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng có công xây dựng nên vùng đất này, hàng năm nhân dân đều tổ chức Lễ hội đình trong 6 ngày, bắt đầu từ 25 tháng Giêng âm lịch. Cũng giống như các lễ hội đình khác trong khu vực, lễ hội đình Tràng Y cũng có các nghi thức rước tế Thần, hát nhà tơ (hát cửa đình), múa đội đèn, đặc biệt có hát văn tế thần; ngoài ra trong các buổi tối, lễ hội còn thu hút những trai thanh, gái tú tham gia hát đúm, hát giao duyên...

Lễ tế thành hoàng làng diễn ra trang nghiêm.

Việc phục dựng lễ hội Đình Tràng Y nhằm dựng lại một lễ hội truyền thống đã bị gián đoạn nhiều năm đang có nguy cơ bị mất hẳn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá quý báu của người Việt ở vùng miền núi biên giới, đồng thời nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Lê Bình Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, phó ban chỉ đạo lễ hội đình Tràng Y, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng giữ lại những phần lễ, phần hội mang ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội truyền thống, có những thủ tục lạc hậu, rườm rà thì chúng tôi bỏ đi. Trong lễ hội phục dựng đình Tràng Y năm nay, cùng với sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh thì UBND huyện Đầm Hà cũng đã chỉ đạo việc xây dựng phần lễ và phần hội cho phù hợp với cuộc sống và phong tục tập quán của xã Đại Bình cũng như các vùng lân cận hiện nay”.

Nhiều trò chơi dân gian được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng: kéo co, đẩy gậy, cờ người...

Hân hoan trong không khí lễ hội, chị Mai Thị Huyền, một người con của xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, chia sẻ: “Mở hội lại đình làng rất có ý nghĩa với nhân dân xã nhà. Tôi rất mừng vì qua bao nhiêu năm gián đoạn nay đã khôi phục lại đình. Đấy là niềm tự hào, tôn kính các thần hoàng của xã nhà. Tôi cũng mong lãnh đạo địa phương, cấp tỉnh quan tâm để năm nào cũng mở lễ hội để nhân dân chúng tôi được hưởng ứng”.

Việc bảo tồn lễ hội truyền thống đã góp phần xây dựng cho tỉnh nhiều sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, từng bước hình thành các điểm đến tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước./.