Phục hưng vốn cổ
Phủ Dày (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định) là một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi thờ bà Chúa Liễu Hạnh.
Quần thể di tích Phủ Dày bao gồm 21 di tích phủ, đền, lăng... trong đó có các công trình lớn như phủ Tiên Hương (được xây dựng từ năm 1578), Phủ Vân Cát, lăng Mẫu Liễu Hạnh...
Phủ Dày có quần thể kiến trúc nghệ thuật có giá trị, đặc biệt là Phủ Tiên Hương. Phủ chính Tiên Hương có kiến trúc tương đối quy mô gồm ba tòa dàn hàng ngang gọi là Phương Du, có nhà bia, phía trước là hồ bán nguyệt. Điện thờ chính gồm 4 cung nguy nga tráng lệ, bên trong có tượng bà Chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng đặt ở hậu cung. Lăng Chúa Liễu Hạnh được thiết kế, xây dựng bằng đá xanh, gồm nhiều lớp trên diện tích 600m2, cổng được mở theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc tượng trưng cho bốn phương, mười hướng. Trên mỗi trụ cổng có đặt bông sen hồng. Trong lăng có hai tòa phương đăng bằng đá xanh, là nơi đặt bàn thờ bà Chúa và văn bia ngợi ca.
Cụ Trần Thị Duyên, thủ nhang phủ Tiên Hương, cho biết: 20 năm trước, các công trình trong khu di tích bị hư hỏng, nhiều di vật, cổ vật bị thất lạc… các cung thờ mái ngói dột nát, nhiều hạng mục như Phương du, nhà bia, nhà giải vũ, phủ cổ, tường bao, nền sân bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, thủ nhang Phủ Tiên Hương đã đề xuất với chính quyền, xây dựng kế hoạch đầu tư, tôn tạo di tích, bắt đầu từ những đồng tiền công đức ít ỏi của nhân dân địa phương và du khách, hơn hết là cái tâm quyết bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc, cùng với nhân dân xã Kim Thái, thủ nhang Phủ Tiên Hương đã thực hiện trùng tu, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản và theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn một cách hiệu quả nhất. Chính vì thế mà những năm qua, các hạng mục công trình trong khu di tích Phủ Dày được chỉnh trang nâng cấp, có tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Cùng với việc trùng tu, các thủ nhang ở Phủ Dày còn tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương sưu tầm các đồ thờ tự, các văn bia, bằng sắc di tích để bổ sung những đồ thờ tự bị mất và hư hỏng. Các công trình phụ trợ từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, tạo nên vẻ bề thế cho quần thể Phủ Dầy.
Lễ linh thiêng, hội tưng bừng
Lễ hội Phủ Dày xưa được tổ chức hằng năm theo cổ lệ vào ngày 1/3 âm lịch, liền trong 10 ngày. (Nay đổi mới tổ chức gọn lại trong 5 ngày: từ mùng 3 đến 8/3 âm lịch).
Du khách trảy hội Phủ Dày vừa để dự ngày giỗ mẹ, vừa thể hiện tâm linh và được ngắm một quần thể kiến trúc lăng chùa truyền thống vô cùng độc đáo. Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hoà quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ rước Mẫu Thỉnh Kinh từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Tiên Hương vào ngày 6/3. Đám rước dài hàng km, trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bát âm. Còn lễ rước đuốc được tổ chức vào tối mùng 5 sẽ thả 3 ông rồng bay. Ngày 8/3, sinh hoạt văn hóa “Hoa trượng hội”. Đây là nét độc đáo nhất lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng hàng trăm tráng sỹ mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2m. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu “ra chữ” sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành dòng chữ nho đầy ý nghĩa.
Hoà trong không khí sinh hoạt văn hoá dân gian, du khách còn được xem múa rồng hội trên đỉnh núi Kim Thái, xem đấu vật, kéo co... và thưởng thức bánh dầy, mía đường trèo, rượu cúc… những món ăn dân gian nhưng lành bụng, thanh cao. Khi màn đêm buông xuống, du khách được đắm mình trong những điệu chầu văn tha thiết ca ngợi non xanh nước biếc của Tổ quốc, quê hương và xem hầu bóng ở Nguyệt phong đình (phủ Tiên Hương). Công tác phục vụ cho lễ hội được chuẩn bị chu đáo, lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô lớn để chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Để có được một lễ hội đặc sắc, là nhờ sự đóng góp của nhân dân Kim Thái cùng các cấp các ngành, đặc biệt là các thủ nhang, những người bảo vệ, trùng tu, giữ gìn, và phát triển lễ hội. Những đóng góp đó đã góp phần không nhỏ vào hoạt động lễ hội thêm phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức vui hội của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Đặc biệt, từ nguồn thu hàng tỷ đồng qua hoạt động lễ hội hằng năm đã đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương; ngoài ra, các thủ nhang phủ Tiên Hương còn tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội như phong trào đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ vì người nghèo, đóng góp trực tiếp xây dựng các công trình phúc lợi như: đường, trường, trạm. Họ là tấm gương sáng trong công tác xã hội hóa bảo tồn, giữ gìn di tích lịch sử văn hóa nước nhà cũng như công tác an sinh xã hội./.