Trong những năm qua, có rất nhiều văn bản luật, mà gần đây nhất là Luật Thủ đô (đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) qui định về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố cổ Hà Nội. Nhưng điều cần được quan tâm nhất là phải để chính người dân hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ.
Phóng viên VOV trao đổi với Tiến sĩ, Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm - Hội Qui hoạch Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc) về vấn đề này.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm |
PV: Thưa KTS Đào Ngọc Nghiêm, ông nhiều lần nhấn mạnh chúng ta có phố cổ Hà Nội là chúng ta có một viên ngọc quý?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi khẳng định như vậy bởi vì trong lịch sử phát triển Thăng Long - Hà Nội, ngoài Trung tâm Hoàng thành mà chúng ta đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì cái đi liền với kinh thành Thăng Long, khẳng định Hà Nội suốt 13 thế kỷ là trung tâm quyền lực, chính là khu phố cổ, tức là khu phố thị gắn liền với kinh thành Thăng Long và còn tồn tại đến ngày nay.
Từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ thuộc Pháp và sau cách mạng tháng Tám, khu phố cổ có nhiều đổi mới, nhưng không thay đổi cấu trúc không gian truyền thống, không thay đổi đặc trưng nhà ở đa năng, không thay đổi phố nghề gắn liền với nó. Đấy là những đặc trưng.
Và có một điều nữa là hơn 10 nước có dự án về khu phố cổ đều công nhận phố cổ là một trung tâm rất đặc trưng của các đô thị. Đây có thể nói là mẫu hình từ đô thị phong kiến chuyển sang đô thị hiện đại, mà vẫn giữ được không gian đô thị của mình, giữ được giá trị văn hóa của mình. Chỉ có thay đổi khai thác nội dung tổ chức cuộc sống của mình mà thôi. Do đó phố cổ Hà Nội rất quý.
PV: Như vậy, khi chúng ta nói đến phố cổ là nói đến đặc trưng rất Hà Nội và rất Việt Nam?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Đúng vậy! Nó rất Hà Nội, rất Việt Nam vì có đặc trưng về cấu trúc khu đô thị cổ và đặc trưng về kinh tế, tức là phố nghề. Đặc trưng nữa là lễ hội gắn với đình, đền, chùa, di tích. Và một cái quan trọng nữa văn hóa của người dân trong khu phố cổ, lối sống của họ.
Nếu ở VN có Hội An là đô thị đặc trưng thương mại, đô thị cảng, Đường Lâm là một làng cổ truyền thống thì phố cổ Hà Nội là đô thị cổ phong kiến. Thế giới cũng hiếm có các đô thị loại này. Nó là tổng hòa các giá trị, trong đó có văn hóa, kinh tế, nhưng nổi trội là yếu tố qui hoạch và kiến trúc đô thị.
Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm |
PV: Ông nói trong phố cổ có 6 loại kiến trúc đặc trưng. Xin ông có thể phân tích cụ thể hơn 6 loại đó là gì?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Không chỉ đến thời điểm này mà từ rất lâu qua các nghiên cứu chúng ta đã khẳng định điều này. Vì bản thân giải pháp kiến trúc, cấu trúc đô thị trong khu phố cổ nó đã có cả quá trình diễn biến hơn 1.000 năm nay rồi. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, do quản lý của chúng ta, do những yếu tố về thời gian thì chúng ta vẫn giữ được. Đây không phải chỉ là ý kiến của tôi mà của cả các nhà quản lý trong và ngoài nước cũng nhận định như vậy.
Trước hết là kiến trúc truyền thống VN, thứ hai là kiến trúc Trung Hoa, chủ yếu xây dựng từ năm 1900 đến 1930. Lúc bấy giờ người Hoa sang đây buôn bán thì mang cả giải pháp kiến trúc của họ sang. Sau đến thời thuộc Pháp sang thì rất nhiều kỹ thuật mới và giải pháp kiến trúc mới của người Pháp cũng đã được áp dụng. Chúng ta quen gọi đó là kiến trúc thuộc địa, gồm giải pháp kiến trúc của vùng Địa Trung Hải, giải pháp kiến trúc nghệ thuật trang trí Art–deco và giải pháp kiến trúc của vùng Alpo. Sau năm 1954, còn có mô hình nhà thấp tầng mái dốc. Như vậy là chúng ta có 6 loại hình.
Vậy sắp tới bảo tồn theo phong cách nào, thì chúng ta cần bảo tồn đa dạng, nhưng số lượng bao nhiêu thì chúng ta phải cân nhắc, xem xét và điều đó sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, thể hiện trong qui chế quản lý, sẽ có danh mục từng ngôi nhà có giá trị kèm theo.
Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào |
PV: Ngoài giá trị vật thể thì trong khu phố cổ giá trị phi vật thể của nó cũng rất đáng coi trọng. Và như ông nói thì chúng ta có tới hơn 200 công trình có giá trị đặc biệt. Đây cũng là điều chúng ta cần hết sức lưu ý trong quá trình bảo tồn phố cổ Hà Nội?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Chúng ta thấy là khu phố cổ ngoài các giá trị thuần về kiến trúc, về giải pháp bố cục thì nó có giải pháp là tổ chức chức năng và cuộc sống bên trong nó. Ví dụ như nhà ở thì không phải chỉ đơn thuần là nhà ở như các khu vực đô thị hiện đại, mà nó vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi kinh doanh dịch vụ, thương mại. Đây là một đặc trưng.
Cấu trúc của nó dạng hình ống, hiếm thấy ở các nước và lại phù hợp với khí hậu VN (được xây dựng gồm nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà lại có sân trong để lấy ánh sáng và đặc biệt là mái dốc). Và hệ thống các công trình di tích ở đây thể hiện cấu trúc làng nghề vì mỗi phố, mỗi khu vực mang một nghề truyền thống, có di tích gắn với nghề ấy, thờ ông tổ làng nghề, thậm chí có đình làng kiểu như thế.
Và trong khu vực phố cổ có rất nhiều lễ hội, bởi có các đình, đền, chùa. Ví dụ khu vực đình Kim Ngân, khu vực Hàng Buồm là có nhiều lễ hội. Các giá trị vật thể và phi vật thể kết hợp với nhau mới tạo dựng được các giá trị của khu phố cổ hiện nay.
PV: Vấn đề bảo vệ, quản lý phố cổ đã được Thành phố Hà Nội rất coi trọng và trong Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ về vấn đề này. Vậy, còn điều gì ông trăn trở về khu phố cổ?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Thể chế rất đầy đủ, nhưng một vấn đề quan trọng là vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ, quản lý phố cổ. Cộng đồng ở đây không phải là người bị quản lý mà phải là người tham gia xây dựng qui chế và thấy được giá trị của khu phố cổ.
Đây là một nội dung đã được xác định trong các luật hiện hành, nhưng cần phải tuyên truyền của cho người dân. Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí là phải tuyên truyền cho người dân thấy không phải chỉ có trách nhiệm mà mình còn có quyền lợi trong việc bảo tồn phố cổ. Đây là vấn đề mà hiện nay người dân chưa thấy.
Còn các khó khăn trong việc nâng cấp chất lượng cuộc sống thì đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia nhiều hơn nữa. Bên cạnh việc đề xuất các dự án, duyệt dự án, thì phần quan trọng nhất là chúng ta phải giám sát việc thực hiện ấy. Giám sát không chỉ có chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn mà cả cộng đồng địa phương.
PV: Như ông vừa nói thì chúng ta cần phải hết sức quan tâm đến vai trò của cộng đồng. Nhưng ông cũng nêu lên vấn đề hết sức đáng quan tâm đó là phải coi trọng nhận diện giá trị di sản. Tại sao ông lại nhấn mạnh điều này?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì bản thân khu phố cổ hiện nay, thực trạng khu phố cổ hiện nay là sự tồn tại của nhiều thế kỷ vừa qua. Càng nghiên cứu thì chúng ta càng thấy những giá trị đó nổi trội lên. Hơn nữa, chúng ta thấy trên thế giới hiện nay, sự cạnh tranh của các đô thị, sự nhìn nhận của giá trị văn hóa của các đô thị hiện nay ngày một điều chỉnh lại theo những lý luận mới. Trong khi các đô thị hiện đại hóa thì vẫn tìm về các giá trị nguồn gốc.
Và như các nhà quản lý văn hóa thế giới đang nói, không có gì thuyết phục, kêu gọi thể hiện sự cạnh tranh của đô thị, chính là sự nhận diện ra được các giá trị văn hóa để bảo tồn nó. Vì vậy cho nên có thể nói, đến thời điểm này, so với các giai đoạn lập qui hoạch, chúng ta đã có những bước tiến nhận định về các công trình di tích, nhưng không phải là đã kết thúc.
Chúng ta còn nhiều việc khác phải làm, thí dụ nhận diện về các giá trị về tổ chức kiến trúc đô thị, về cấu trúc giải pháp của cái nhà ở như thế nào. Đó là những cái rất đặc trưng.
PV: Theo ông, việc bảo tồn nghề truyền thống và phố nghề có phải cũng góp phần giữ lại phần hồn của phố cổ?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Đấy cũng là bài học kinh nghiệm từ thế giới. Một số đô thị ở châu Âu người ta đã kết luận rằng: nếu chỉ bảo tồn công trình không thì sẽ mai một và không có giá trị. Nếu muốn bảo tồn mà nâng giá trị nó lên có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, thì bảo tồn này phải gắn với nội dung mục tiêu sử dụng.
Tức là anh bảo tồn về kiến trúc các phố nghề, kiến trúc đô thị thì anh phải bảo tồn nghề truyền thống trong phố ấy thì nó mới hấp dẫn. Đây là bài học từ các nước châu Âu, Trung Quốc..., người ta gắn kết được các yếu tố này nên nó có sức hút du lịch rất lớn.
PV: Xin cảm ơn ông./.