Công trình nghiên cứu và biên soạn “Sự tích các Bà Thành hoàng làng” của PGS. TS Đỗ Thị Hảo- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội là một trong  số 25 công trình, tác phẩm được trao giải thưởng văn học nghệ thuật thủ đô 2012.

Đây là cuốn biên khảo đầu tiên và đầy đủ nhất sự tích về các vị Thành hoàng là nữ ở nước ta hiện nay. Cuốn sách này vừa được xuất bản và phổ biến trên cả nước trong dự án "Công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam".Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS. TS Đỗ Thị Hảo về công trình nghiên cứu của bà.

PGS.TS Đỗ Thị Hảo

PV: Thưa bà, nhiều năm nghiên cứu về các nữ tác giả Hán Nôm như bà Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Lộ, Ỷ Lan nguyên phi…phải chăng việc cho ra đời công trình nghiên cứu về các nữ Thành hoàng làng cũng là một cơ duyên?

PGS. TS Đỗ Thị Hảo: Hiện tại ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một kho thần tích nói về các vị Thành hoàng, trong đó có nhiều sự tích về các bà. Trên cơ sở đó, tôi nghĩ: tại sao người ta giới thiệu về các ông Thành hoàng, còn kho tàng của mình về các Thành hoàng là nữ cũng nhiều không kém lại không giới thiệu. Vậy nên tôi đã biên soạn cuốn sách về các bà Thành hoàng làng.

Vị Thành hoàng làng đầu tiên có công chống giặc ngoại xâm là Hai Bà Trưng, Bà Triệu và rất nhiều bà khác nữa. Còn trong lĩnh vực văn hóa, tổ nghề thì tổ nghề dệt, tổ nghề đan sọt, tổ nghề lược đều là nữ.

Thực ra, dưới triều đại phong kiến bao giờ cũng có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Vì thế đình làng là nơi để các cụ ông đến bàn việc làng, còn chỗ của các cụ bà là chùa. Các triều đại phong kiến đều phong Thành hoàng làng, trong đó có thần tích và sắc phong. Trong đó, hầu như là các cụ ông.

Nhưng tại sao lại có các bà Thành hoàng? Là vì trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Việt Nam, vai trò của người phụ nữ rất lớn. Các bà đã có công với dân với nước và được dân gian tôn vinh, thờ phụng. 

PV: Khi bắt tay vào thực hiện công trình nghiên cứu này, bà đã gặp những khó khăn gì?

PGS. TS Đỗ Thị Hảo: Tôi đã mất khoảng 4-5 năm để đến thư viện và đọc về sự tích từng vị Thành hoàng là nữ. Sau đó tôi tóm tắt những ý chính và giới thiệu. Cách làm của chúng tôi là để mọi người biết, đồng thời cũng là để phục vụ các nhà nghiên cứu. Trong quá trình biên soạn tôi đã tóm tắt từng sự tích, bên dưới có ghi chú rõ: bà này được thờ ở địa phương nào, tài liệu này lấy ở quyển sách kí hiệu bao nhiêu, trang nào…Do đó độ tin cậy của nó rất lớn.

Thứ nữa, do chiến tranh nên nhiều sự tích của các vị Thành hoàng không còn được ghi nhớ. Nhiều địa phương vẫn thờ nhưng họ không biết thờ ai, sự tích như thế nào. Trên cơ sở của cuốn sách này, người ta sẽ biết rất rõ. Dân ở các địa phương rất thích những đề tài như thế này vì nó gắn liền với cuộc sống của họ.

PV: Khi hoàn thiện công trình nghiên cứu này, hẳn bà cũng có những câu chuyện xúc động muốn chia sẻ?

PGS. TS Đỗ Thị Hảo: Những câu chuyện cảm động về các bà trong chống giặc ngoại xâm thì có rất nhiều. Nhưng trong đời thường cũng có những người hết lòng vì nước vì dân. Ví dụ công chúa Huyền Trân hi sinh hạnh phúc cá nhân để sang nước Chàm, làm vợ vua Chế Mân. Sau khi vua chết, theo tục lệ phải hỏa táng. Nhưng triều Trần đã nghĩ đến một cớ nào đó để giải thoát cho công chúa Huyền Trân. Sau khi được giải thoát, bà đã đi tu. Bà cũng dạy cho dân trong vùng đan lát.

PV: Những công trình nghiên cứu của bà đều gắn với hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam từ thời kì dựng nước, giữ nước. Điều gì khiến bà ấn tượng đến vậy?

PGS. TS Đỗ Thị Hảo: Tôi không chỉ nghiên cứu về các bà Thành hoàng làng. Cách đây 25 năm, tôi đã viết về các nữ thần Việt Nam. Sau khi biên soạn xong cuốn này, tôi rút ra một điều: người phụ nữ Việt Nam rất giản dị mà cũng rất vĩ đại. Hai điều này hòa vào nhau và tạo nên những đặc điểm rất đời thường của họ. Tại sao Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu? Tôi cho rằng đó là một trong những lí do. Người Việt Nam rất kính cẩn, tôn vinh tín ngưỡng này. Nó xuất phát từ những mẫu hình cụ thể của những người phụ nữ Việt Nam, trải qua hàng nhìn năm nay.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!./.