Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, tối 21/7, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Tổ quốc mãi mãi ghi công” để bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.

Dự chương trình nghệ thuật có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại biểu cựu chiến binh, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng ở Thủ đô Hà Nội. 

Chương trình nghệ thuật “Tổ quốc mãi mãi ghi công” gồm nhiều ca khúc, hoạt cảnh và những phóng sự, hình ảnh nhằm ca ngợi những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, đã hiến dâng tuổi thanh xuân, cuộc sống của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên các chiến trường.

Vượt lên những mất mát hy sinh to lớn đó, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các anh hùng liệt sỹ đã luôn nêu cao truyền thống cách mạng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và toàn xã hội...

Để ghi nhớ, đền đáp công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình có công với cách mạng, góp phần động viên tinh thần và bù đắp một phần những mất mát, hy sinh vĩ đại ấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai hiệu quả công tác tri ân đối với người có công với cách mạng. Các phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân như về nguồn, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước... Đến nay, cả nước có hàng triệu người được hưởng chế độ ưu đãi; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế; hàng vạn cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo...

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay vẫn còn gần 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy hiện đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định danh tính. Nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, quân đội đặc biệt quan tâm, coi trọng và coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện Quyết định số 1237 ngày 27/7/2013 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thành lập (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1237).

Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Chính phủ, đến nay các quân khu, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo 1237 của cấp và đi vào hoạt động hiệu quả. Các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân tham gia không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà bằng cả tấm lòng với các liệt sĩ. Hằng ngày, 19 đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân đội vẫn miệt mài ở những nơi rừng thiêng nước độc, vượt qua muôn vàn khó khăn để tìm kiếm và đưa các liệt sĩ trở về với người thân.../.