Trao đổi với báo chí chiều 11/10 bên lề hội thảo khoa học “Quản lý đô thị trên địa bàn TPHCM: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM thông tin về việc thành phố sẽ chi hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Quận 2. 

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép thành phố được thực hiện các dự án đầu tư nhóm A trên 1.000 tỷ đồng. Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch nằm trong nhóm này vừa được HĐND TP. HCM thông qua tại kỳ họp mới đây.

 Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng thành phố là trung tâm kinh tế lớn, thu hút đầu tư nhiều nhưng phát triển văn hoá chưa tương xứng: "Về công trình Nhà hát thành phố, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết Thủ tướng đã đồng ý từ rất lâu rồi. Hai việc khác là chống ngập thì thành phố cũng đang nỗ lực, vừa rồi Thủ tướng cũng đã giải quyết việc xây 3 bệnh viện cũng nhóm A, Chính phủ đã duyệt 5.700 tỷ rồi".

nguyen_thanh_phong_gdfn.jpg
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng thành phố là trung tâm kinh tế lớn, thu hút đầu tư nhiều nhưng phát triển văn hoá chưa tương xứng.

Dưới góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc TP. HCM xây dựng Nhà hát Giao hưởng hoàn toàn không thể ghép chung với việc giải quyết các vấn đề khác như kẹt xe, ngập nước, trường học, bệnh viện… Tất cả phải song song mà tiến, TPHCM đã bỏ nhiều công sức để giải quyết các vấn đề ngập lụt, giao thông, những vấn đề này không phải ngày một, ngày hai mà có thể giải quyết được.

Ông Chính cho biết: "Yếu tố về hạ tầng xã hội, đặc biệt thành phố đang xây dựng thành phố thông minh, thành phố đáng sống thì không thể không có giá trị cho người dân về tinh thần. Chúng ta phải có cơ sở văn hoá xã hội xứng tầm quốc tế".

Mô hình ban đầu của nhà hát opera tại Thủ Thiêm. 

Điều đáng nói là việc quyết định thông qua dự án này đã vấp phải sự phản ứng trong dư luận. Bởi hiện nay rất nhiều công trình văn hóa, trong đó có một số nhà hát tại TP. HCM đang sử dụng chưa hết công suất và sai công năng. Hơn thế nữa, người dân TP. HCM đang đối mặt với những khó khăn như ngập nước, triều cường, quá tải bệnh viện... trong khi những công trình phục vụ cho vấn đề này lại đang bị đình trệ.

Bà Trần Kim Phụng, ngụ phường Bình Khánh, Quận 2 chia sẻ: "Thực sự người dân chúng tôi không cần nhà hát đó, tại sao lại bỏ một số tiền lớn để xây nhà hát. Người dân ở TPHCM phải chịu cảnh ngập lụt, trong khi đó bệnh viện ba, bốn người nằm một giường, cơ sở vật chất xuống cấp".

Lý giải vì sao lại chọn thời điểm này để thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng chỉ là sự "trùng hợp" với thời điểm thanh tra các vấn đề ở Thủ Thiêm, không thể đợi giải quyết xong hết mới triển khai mà phải làm song song.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định việc triển khai dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hoàn toàn theo quy hoạch.

Đối với vị trí lựa chọn xây dựng tại khu vực đang rất nóng về khiếu kiện đất đai, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định việc xây dựng hoàn toàn theo quy hoạch, trong thiết kế khu vực Thủ Thiêm đã có quy hoạch xây dựng nhà hát. Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được xây dựng từ năm 1993. Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh nhà hát này được xây dựng để phục vụ cho hàng trăm năm do đó việc đầu tư là cần thiết, trong quá trình triển khai thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến phản biện, góp ý từ người dân và chuyên gia để đảm bảo công trình nhà hát bền vững, HĐND thành phố sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này.Việc xây dựng nhà hát giao hưởng cả nghìn tỷ xứng với tầm quốc tế là điều mà ai cũng mong muốn bởi đây là món ăn tinh thần và sự hưởng thụ văn hóa cho người dân ở đô thị này. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của TPHCM hiện nay, theo ý kiến của dư luận thì chưa phải lúc để tiến hành mà cần phải xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và hợp lòng dân./.