Với mong muốn đưa khán giả về với không gian diễn xướng của chèo truyền thống, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đang tái hiện một chiếu chèo cổ giữa lòng Thủ đô. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Ngoan, Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam:
PV:
NSƯT Thanh Ngoan: Tôi đi biểu diễn trên thế giới rất nhiều, cộng thêm với việc nhìn ở Hà thành thì thấy điểm đến giải trí là rối nước Thăng Long. Đây là điểm đến rất tốt cho khách du lịch và tôi nghĩ rằng: Nghệ thuật chèo cũng là một loại hình truyền thống, loại hình sân khấu thuần Việt. Do đó, không có cớ gì với lực lượng nghệ sĩ đầy tiềm năng như vậy, với một loại hình văn hóa, nghệ thuật đáng chú ý cho người trong nước, và cả quốc tế mà mình lại không có một điểm đến để duy trì.
Mong ước của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam là tạo một sân chơi và tạo một điểm đến là Nhà hát Kim Mã. Mục tiêu chính là như vậy và đốc thúc chúng tôi quy tụ lại với nhau, từ đó chúng tôi quyết tâm chỉnh sửa lại sân khấu nhỏ. Sân khấu nhỏ không phải là sân khấu lớn thu nhỏ như mô hình cũ mà chúng tôi thay đổi nó trở thành một không gian chiếu chèo.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (ảnh: VTC) |
PV:
NSƯT Thanh Ngoan: Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản. Tuy nhiên tôi tin rằng tiềm năng trong sân khấu chèo còn rất nhiều điều có thể giới thiệu. Với người nước ngoài chúng tôi không thể giới thiệu một vở diễn, hay tất cả các trích đoạn hay. Bởi vì nếu như thế khi người ta chưa hiểu về văn hóa mình, chưa hiểu cả điều sơ lược nhất mà mình cứ nhồi vào người ta thì đó là điều vô cùng khó.
Do đó, chúng tôi đã đặt ra một tiêu chí: đối với khách Việt Nam, chúng tôi sẽ dân trò bằng trò nhời và trò dẫn, theo đúng văn biền ngẫu của sân khấu truyền thống. Còn đối với khách nước ngoài, chúng tôi đang dịch nội dung một cách ngắn gọn. Bên cạnh đó là dịch những tinh hoa của nghệ thuật chèo.
Nghệ thuật múa rối là độc đáo của Việt Nam nhưng ngôn ngữ chuyển tải âm nhạc là của chèo. Do đó cách của chúng tôi là nói những tinh hoa. Ví dụ, nàng Xúy Vân ra quay tơ, dệt cửi trong 10 phút thì chúng tôi phải nói được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật chèo như múa, hát, diễn như thế nào. Bên cạnh đó là những bản nhạc chèo. Tôi tin rằng với các làm như thế này thì du khách nước ngoài cũng sẽ thích.
PV: Chiếu chèo sân đình là một loại hình sân khấu truyền thống tại các vùng nông thôn miền Bắc, tuy nhiên, để biểu diễn cho khán giả thị thành cũng như du khách quốc tế thì sự giản dị, mộc mạc tại chiếu chèo sân đình chưa hẳn đã là điểm cộng?
NSƯT Thanh Ngoan: Tuy rằng khung cảnh rất đơn giản, rất mộc mạc để người ta cảm thấy đúng là về với chiếu chèo; nhưng tôi đòi hỏi lối trình diễn của nghệ sĩ phải tinh tế từng câu, từng chữ một. Bên cạnh đó là lối dẫn chuyện, không phải là lai căng đưa MC của những chương trình mới bây giờ mà phải đúng là dẫn trò, theo đúng lối cổ của các cụ để lại.
Trong những chương trình của chúng tôi có những chương trình là cụ trùm trò dẫn chèo, xâu chuỗi các tiết mục lại với nhau; thứ 2 là một đôi hề chèo dẫn chuyện đúng theo phong cách của chiếu chèo; thứ 3 là một đôi nam nữ dẫn trò; thứ 4 là chương trình hề áo ngắn và hề áo dài dẫn chuyện; chương trình thứ 5 sẽ là giới thiệu những tinh hoa và giới thiệu cho khách nước ngoài, có tính chất nghiên cứu. Đó là 5 chương trình chúng tôi đang duy trì và đang giới thiệu tại sân khấu nhỏ, tối thứ 6 hàng tuần.
NSƯT Thanh Ngoan trên sân khấu chèo (ảnh tư liệu) |
PV: Dường như chiếu chèo của Kim Mã không chỉ là điểm đến cho khán giả yêu nghệ thuật chèo mà còn là nơi để Thanh Ngoan thể hiện cái tôi nghệ thuật?
NSƯT Thanh Ngoan: Tôi không hề nghĩ rằng tôi làm để tôn vinh mình hay cái gì khác mà chỉ xuất phát từ lòng đam mê với chèo của một người nghệ sỹ. Tôi muốn hướng tới những yếu tố cần thiết để cho những người yêu chèo tiếp tục gánh vác nghiệp chèo. Thứ hai là để cho khán giả hiểu được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật chèo, để mà đến với nó.
Tôi đặt mình vào vị trí là một khán giả khó tính để soi lại những việc mình làm. Từ đó đưa ra một đường lối là khán giả từ những người khó tính nhất đến với mình cũng chấp nhận được. Mình chưa chấp nhận được nghĩa là khán giả chưa chấp nhận được.
PV: Cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan./.