Ngay trong thời kỳ trứng nước, chúng ta có thể tự hào về nhóm điện ảnh Khu 8, Khu 7 ở Nam Bộ đã cho ra đời những bộ phim thời sự tài liệu đầu tiên nhưng đã khắc họa được rõ nét được những khía cạnh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, phản ánh rất rõ nét tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường cũng như ý thức sẵn sàng hy sinh thân mình cho chiến thắng, cho nền độc lập, tự do của dân tộc như các phim: Trận Mộc Hóa, Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch La Ban-Cầu Kè… Có nhiều phim mang đầy dấu ấn lịch sử, nêu lên được những chiến công vang dội, những chiến thắng hào hùng của dân tộc, như phim: Chiến dịch Đông Khê, Chiến thắng Cao Bắc Lạng; Chiến thắng Tây Bắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những năm tháng chống Mỹ, phim “Chung một dòng sông”(ra đời năm 1959) đã gây được tiếng vang lớn. Đây được coi là bộ phim truyện đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta bị chia cắt làm hai miền bởi vĩ tuyến 17, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ đang dần leo thang, Chung một dòng sông là kết quả của sự nỗ lực lớn lao của anh chị em làm công tác điện ảnh. Sau thành công đó, một loạt phim về đề tài cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được sản xuất, trong đó có nhiều bộ phim khá thành công như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Kim Đồng, Lửa trung tuyến, Cù Chính Lan…

Trong lĩnh vực phim tài liệu và phim hoạt hình cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc như: Cây tre Việt Nam, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Giữ làng giữ nước, Việt Nam trên đường thắng lợi, “Đầu sóng ngọn gió”…Trong số đó, “Đầu sóng ngọn gió” là bộ phim không chỉ có sự kiện và tài liệu quí mà còn khái quát được hình tượng một đất nước đang phải đương đầu với một thế lực xâm lược tàn bạo, nêu cao chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng gian khổ và ác liệt thì nhân dân ta càng phát huy cao độ được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của mình. Tinh thần đó lại được loại hình nghệ thuật thứ 7 tiếp tục phản ánh một cách thật sinh động và rõ nét. Những dấu ấn một thời về con người và mảnh đất Việt Nam quả cảm, kiên cường dám xả thân vì nước lại in đậm trong các phim: Những cô gái Ngư Thủy, Mở đường Trường Sơn, Lũy thép Vĩnh Linh(bộ phim được giải Bông sen vàng LHP lần thứ nhất và HCV LHP quốc tế Moscow 1971); phim Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An; những năm cuối của sự nghiệp chống Mỹ có Hà Nội, năm ngày đọ sức...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn kết thúc, nhiều bộ phim tài liệu lịch sử đã ra đời và gây nhiều dấu ấn sâu sắc như: Trên đường ra Huế giải phóng, Đà Nẵng giải phóng, Kí ức Bến Tre, Những hình ảnh đầu tiên về Côn Đảo, Qua cầu Công Lý... Mỗi hình ảnh, mỗi thước phim đều lung linh ánh sáng của huyền thoại - huyền thoại về một dân tộc “ra ngõ gặp anh hùng”; huyền thoại về những người con gái con trai đang ở lứa tuổi thanh xuân đầy sức sống tạm xa ruộng đồng, nhà máy, mái trường, theo tiếng gọi của non sông đã đến với những vùng đất lửa dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Xem những thước phim vô giá đó, cho đến bây giờ hẳn trong chúng ta không khỏi trăn trở suy tư khi nghĩ về những con người của một thời mà “Ngày nào cũng có người hy sinh, nhưng chúng tôi không hề nao núng. Cũng không ai nề hà chuyện đói, khát. Mặc dù trong kho còn gạo nhưng không ai tơ hào một hạt của chiến trường. Tư lệnh cũng phải ăn cháo măng hàng tuần liền. Đó là ý thức của tất cả mọi người vì chiến thắng chung”.

Tư tưởng đó, tinh thần đó của một dân tộc thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được thể hiện đậm nét nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh của mùa xuân 1975 lịch sử. Sau 16 ngày chiến đấu thần tốc (14/4 – 30/4/1975), 5 cánh quân lớn của ta đã tiến vào đúng 5 mục tiêu chủ yếu theo kế hoạch chiến dịch. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên  nóc phủ Tổng thống ngụy quyền! Dinh Độc lập đã trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn. Những thước phim của các đội bám theo các quân đoàn, sư đoàn quay được đã là những thước phim quý để Tổng đạo diễn - NSND - Trần Việt hoàn thành bộ phim tài liệu Chiến thắng lịch sử xuân 1975. Bộ phim không chỉ là bức tranh toàn cảnh về chiến thắng to lớn của quân đội và dân tộc mà còn là cái nhìn tổng quát sâu sắc, toàn diện về chặng đường 21 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh vì Độc lập, Tự do, thống nhất Tổ quốc, khát vọng hòa bình và xây dựng của dân tộc Việt Nam. Bộ phim đã lý giải sự thất bại của 5 đời Tổng thống Mỹ (từ Eissenhower, J.F.Kennedy, L.Johnson, R.Nixon, Gerald Ford). Trong phim cũng phân tích khá sâu sắc thế, lực và thời cơ cách mạng, mưu lược trí tuệ tuyệt vời của Đảng cả về đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao và sự nổi dậy của nhân dân miền Nam…

Năm 2009 vừa qua, chúng ta lại được chứng kiến một bộ phim đầy xúc động thể hiện rõ nét, trọn vẹn nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam- Bộ phim “Đừng đốt”. Bộ phim đã nêu bật được hình ảnh của một dân tộc “biết căm thù và biết yêu thương”. “Đừng đốt”, bởi “trong ấy có lửa”. Đó là “lửa” trong hình ảnh của một người con gái Việt Nam - một nữ chiến sĩ, bác sĩ dũng cảm kiên cường đầy tinh thần trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh; “lửa” trong hình ảnh của một người con gái Hà Nội lãng mạn “tiểu tư sản” khát khao yêu thương, nhất là trong bối cảnh ở một trạm xá trơ trọi giữa bom đạn khốc liệt và những cơn mưa rừng xối xả. Tính nhân văn, lòng nhân ái ẩn chứa trong những dòng chữ bình thường có sức lay động lớn lao, cảm hóa những con người bên kia chiến tuyến, giúp cho Fred nhận ra chân giá trị cuộc sống : “Cô ấy dạy cho con bài học về tình yêu thương con người”. Bộ phim truyện “Đừng đốt” đã góp phần đưa hình ảnh người nữ bác sĩ Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam nói chung đến với bạn bè thế giới./.