Những ngày qua, Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” khai mạc vào đêm 18/3, với chủ đề “Ấn tượng Hội An” gây nhiều dư luận trái chiều từ mạng xã hội đến người dân và các chuyên gia.

vov__hinh_anh_gay_kho_chiu_cho_nguoi_xem_tahm.jpg
Hình ảnh gây khó chịu cho người xem.

Đây là show diễn thực cảnh sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam hiện nay được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”.

Sau những suất diễn đầu tiên, chương trình đã có những ý kiến phản ứng trái chiều xoay quanh nội dung kịch bản, trang phục, thiết kế sân khấu... Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Hội An còn kêu gọi “tẩy chay” vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An”, vì không có gì để có thể hình dung đó là văn hóa Hội An.

Ký ức Hội An nhiều người cho là "Uất ức Hội An".

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng nay, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hội An cho rằng, Chương trình mang tên “Ký ức Hội An nhưng chẳng thấy ký ức Hội An ở đâu.

"Với tiêu đề là “Ký ức Hội An”, ký ức tức là về lịch sử, là những hình ảnh, những kỷ niệm chính xác về lịch sử, văn hóa Hội An. Đối với lịch sử, văn hóa Hội An thì nó hằn sâu vào ký ức những hình tượng rất đỗi thân quen mà người ta nhìn vào đó người ta biết đó là đất và người Hội An. Còn chương trình này không lột tả được cái đó", ông Nguyễn Văn Lanh nói.

Hình ảnh không gắn liền với vùng đất và người Hội An.

Ông Nguyễn Văn Lanh cũng có ý kiến vì sao một chương trình diễn ra trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh không hay biết. Thêm nữa, đối tượng phục vụ chương trình này không phải là dân Hội An vì giá vé quá đắt (300.000đ/vé), mà đối tượng chính của chương trình này là phục vụ cho khách du lịch, trong đó phần lớn là khách Trung Quốc.

Phân cảnh thiếu nữ Hội An hoá đá đợi chồng (ảnh facebook nhà tổ chức)
Một phân cảnh trong Ký ức Họi An nhìn từ trên cao (ảnh facebook nhà tổ chức)

Nhiều ý kiến cho rằng, Ban cố vấn là những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam nhưng tại sao nói về Hội An mà lại không thấy hỏi người Hội An, về các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc của suốt chiều dài 400 năm lịch sử của vùng đất này. Nhiều người khi xem chương trình cho rằng, ở Hội An không có chuyện người phụ nữ đợi chồng, hay đợi người yêu mà hóa đá. Văn hóa Hội An là văn hóa mở, người Hội An, phụ nữ Hội An cũng không hề bị gò bó, trói buộc theo mô típ, định kiến khắc khe như thế.

Sân khấu khổng lồ được xây dựng trên bãi Cồn 
Bãi cồn nổi giữa sông Hoài được trồng bê tông.
Hướng dẫn địa điểm cho du khách đến xem chương trình (ảnh facebook nhà tổ chức)

Còn rất nhiều chi tiết trong vở diễn mà người dân cùng các chuyên gia am hiểu về Hội An bức xúc sau khi xem như: các cô gái mặc áo dài Việt Nam đội nón không đúng cách, âm thanh, ánh sáng nhấn chìm không gian tĩnh lặng của phố cổ, sân khấu lớn bằng bê tông sừng sững trên một cồn cát giữa sông đã che mất không gian mênh mông mà thiên nhiên ban tặng cho sông Hoài, cho người dân Hội An... Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đa chiều về vấn đề này trong những bài tiếp theo /.