Nhạc sĩ Doãn Nho đến với âm nhạc từ rất sớm: Năm lên 10 tuổi đã được học violon và 15 tuổi đã sáng tác ca khúc đầu tiên. Nhưng phải đến khi các ca khúc như "Bà mẹ nuôi", "Chiếc khăn rơi", "Tiến bước dưới quân kỳ" ra đời, tên tuổi Doãn Nho mới "định vị" trong lòng công chúng.
Là một nhạc sĩ quân đội có may mắn được đào tạo đến nơi đến chốn, Nhạc sỹ Doãn Nho từng có 9 năm tu nghiệp tại Nga và đã lấy bằng Tiến sĩ về Lý luận âm nhạc nhưng lại rất ít người biết đến "học vị" này. Ông chia sẻ rằng: "Chỉ cần công chúng biết đến với vai trò nhạc sĩ là đủ rồi".
Nhạc sĩ Doãn Nho |
PV:Nhạc sĩ có thể cho biết về những bài hát mà ông tâm đắc nhất?
NS. Doãn Nho: “Bà mẹ nuôi” chính là một trong những bài hát đầu tiên mà tôi cầm bút sáng tác. Bài hát ca ngợi một bà mẹ hàng ngày vào buổi trưa nắng xách một ấm nước đun sôi để nguội và một chồng bát cho các con đang tập luyện ngoài thao trường.
17 tuổi- lần đầu tiên xa nhà để gia nhập quân ngũ, tôi đã rất nhớ mẹ. Chính vì vậy, cứ mỗi buổi trưa nắng như thế, hình ảnh bà mẹ đó khiến tôi cảm thấy rưng rưng xúc động. Tôi coi bà như người mẹ của mình- một người mẹ đã hết lòng vì các con mà không quản ngại gian khó. Vì lẽ đó, bài hát “Bà mẹ nuôi” đã ra đời và được cả đại đội tôi hát trong suốt thời gian tôi học ở trường sỹ quan lục quân.
Bài hát thứ hai mà tôi cũng luôn tâm đắc, đó chính là bài ca tăng gia. Theo yêu cầu của đồng chí chính trị viên, bài hát đó ra đời cổ vũ cho phong trào sản xuất của đại đội. Tuy nhiên, với sự góp ý của hai nghệ sỹ bậc đàn anh: bác Nguyễn Xuân Khoát và bác Đỗ Nhuận, tôi cũng đã đi sâu vào nghiên cứu dân ca, đi sâu vào tác nghiệp và dần dần tôi đã có những sáng tác nổi tiếng đầu tiên là hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” viết ngay bên bờ sông Hiền Lương năm 1955. Hợp xướng đó đã đem lại dấu ấn một thuở.
Ca khúc: Người con gái sông La Thơ: Phương Thúy. Sáng tác nhạc: NS. Doãn Nho Thể hiện: Anh Thơ |
Có lẽ nhắc đến Doãn Nho, người ta không thể không nhắc đến “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, phổ thơ Hữu Thỉnh. Hay một bài hát mang tính địa phương cũng được bà con hưởng ứng, đó chính là “Người con gái sông La” ca ngợi nữ anh hùng La Thị Tám. Và một bài hát hiện nay do Tùng Dương thể hiện với một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của pop và của rock chính là “Chiếc khăn rơi” hay “Chiếc khăn piêu”. Đó là những ca khúc làm nên tên tuổi của tôi.
Đặc biệt, giao hưởng giúp tôi có được giải thưởng Văn học- Nghệ thuật 2011 và phần nào thể hiện được sự thành công của tôi là Thanh xướng kịch “Hoa Lư- Thăng Long- Bài ca dời đô”.
Nhạc sỹ Doãn Nho (giữa) nhận giải thưởng Văn học- Nghệ thuật 2011 |
PV: Vậy ông có thể chia sẻ về sức mạnh của âm nhạc trong quá trình cổ vũ đấu tranh?
NS. Doãn Nho: Các ca khúc đi cùng năm tháng luôn gây một xúc động rất lớn và có sức cổ vũ hàng vạn cán bộ, chiến sỹ của chúng ta làm nên những chiến công liên tiếp. Đó là sức mạnh của âm nhạc và tôi hy vọng chúng ta nên có nhiều bài và nhiều chiến công như thế. Chúng ta có thể gọi đó là những chiến công trong thời bình.
Một điều khiến tôi cảm thấy nuối tiếc trong thời gian qua là chúng ta chưa quan tâm nhiều đến mảng đề tài lớn, vô cùng quan trọng đối với đất nước. Đó chính là hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ tổ quốc luôn luôn gắn chặt với nhau.
Xây dựng nhằm đem lại tự do, độc lập, hạnh phúc đồng thời cũng để bảo vệ đất nước mình. Cái lý chính trị của mình hoàn toàn đúng.
Ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần phải bảo vệ đất nước. Bảo vệ mới xây dựng được và xây dựng chính là tiền đề để chúng ta bảo vệ đất nước.
Đã có người nói rằng giá trị của 1 ca khúc nổi tiếng bằng cả 1 sư đoàn. Với tôi, không có một lời nhận định nào hay hơn thế nữa.
Ca khúc: Chiếc khăn Piêu Sáng tác: NS. Doãn Nho Thể hiện: Tùng Dương |
PV: Cụ thể trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với phòng trào “tiếng hát át tiếng bom”, những ca khúc nào được phát sóng trên Đài khiến ông ấn tượng nhất?
NS. Doãn Nho: Rất nhiều ca khúc phát sóng trên Đài khiến tôi ấn tượng. Đó đều là những ca khúc mang sức cổ vũ cao, những ca khúc vượt thời gian đi cùng năm tháng.
Cụ thể như nhạc sỹ Huy Du với “Anh vẫn hành quân”, nhạc sỹ Đỗ Nhuận với “Hành quân xa”, hay nhạc sỹ Huy Thục với “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Đó là tôi chỉ nói tới các đề tài về hành quân, còn rất nhiều các đề tài khác nữa, điển hình như nhạc sỹ Phạm Tuyên với “Hà Nội- Điện Biên Phủ”,… Còn rất nhiều nữa, những bài hát rất “diệu kỳ” trong thời chiến tranh.
PV:Nhạc sỹ có thể giới thiệu đôi chút về Thanh xướng kịch “Hoa Lư- Thăng Long- Bài ca dời đô” vừa đoạt giải thưởng Văn học- Nghệ thuật 2011 vừa qua ?
NS. Doãn Nho: Về cấu trúc, Thanh xướng kịch “Hoa Lư- Thăng Long- Bài ca dời đô” được nhận giải thưởng Văn học- Nghệ thuật 2011 là dạng thanh nhạc nhưng lớn. Tác phẩm gồm 4 chương: Lý Thái Tổ xuống Chiếu dời đô, Rời bến Ghềnh tháp, Ngược dòng sông Hồng và Cập bến Đại La được viết theo thể thức Oratorio.
Tác phẩm này tôi viết 10 năm, trong đó chương I- Lý Thái Tổ xuống Chiếu dời đô được hoàn thành năm 2001 và được xem như một tác phẩm độc lập.
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từng dàn dựng chương trình này, biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội và Hoa Lư, Ninh Bình. Chuyện trong thanh xướng kịch kể về hành trình dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long của Lý Thái Tổ, cuộc tiễn đưa của người dân Hoa Lư và cuộc đón rước vua về kinh đô mới của người dân thành Đại La.
Ca khúc: Năm anh em trên một chiếc xe tăng Sáng tác: NS. Doãn Nho. Phổ thơ: Hữu Thỉnh Thể hiện: Tốp ca nam Tổng cục Chính trị |
PV: Vậy cảm xúc của nhạc sỹ như thế nào khi được nhận giải thưởng Văn học- Nghệ thuật 2011 vừa qua?
NS. Doãn Nho: Tôi nghĩ rằng đây là một giải thưởng mà ai nhận được cũng cảm thấy xúc động và phấn khởi. Nhưng riêng với tôi, đây là một lời nhắc nhở, một lời khích lệ của chính quê hương mình.
Tôi viết về Hà Nội- quê hương của tôi, là lời của người mẹ quê hương nhắc nhở, một lời động viên cho nên tôi thấy vô cùng xúc động. Và tôi hứa với tuổi 80 của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức để viết nên những tác phẩm hay, những tác phẩm mang tính cổ vũ cho những chiến công trong hòa bình.
PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện này!