Trong 2 ngày 10 và 11 Âm lịch, (tức 28/2 - 1/3), tại tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc lần thứ nhất năm 2015 và đón nhận Bằng xếp hạng các di tích và di sản phi vật thể Quốc gia.
Huyện Mèo Vạc có 17 dân tộc sinh sống, trong đó gần 78% là dân tộc Mông. Đây là lần đầu tiên huyện Mèo Vạc tổ chức riêng một lễ hội dành cho đồng bào dân tộc Mông. Dịp này sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như lễ cúng 30 tết, lễ đặt tên người đàn ông dân tộc Mông trưởng thành, thi đánh Sảng, tung Còn, giới thiệu về ý nghĩa cây Lanh trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của dân tộc Mông, ý nghĩa về cây khèn Mông, kỹ thuật đan Quẩy tấu…
Tại lễ hội, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ dân tộc Mông trong “Chương trình chung kết người đẹp dân tộc Mông với trang phục truyền thống”, trải nghiệm quy trình làm mèn mén…
Ông Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào Mông đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc vùng cao nguyên đá.
Dự kiến những ngày này, du khách về dự lễ hội sẽ tăng đột biến, nên chính quyền huyện Mèo Vạc đã chuẩn bị đẩy đủ cơ sở vật chất, chỉnh trang đô thị, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự cho ngày hội.
“Ban Tổ chức đã sẵn sàng các phương án, đã lên kế hoạch từ các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, có niêm yết giá công khai, có kiểm soát về mặt giá cả. Thứ hai là tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động diễn ra trước, trong ngày hội” - ông Trần Kim Ngọc nói.
Dịp này, huyện Mèo Vạc tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đối với các di tích và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Hang Rồng, xã Tà Lủng, di tích hóa thạch Huệ Biển, xã Lũng Pù và Lễ mừng năm mới của dân tộc Ráy./.