Hai Di sản văn hóa phi vật thể trên quê hương Phú Thọ là việc thờ cúng các Vua Hùng và hát Xoan được UNESCO cấp bằng chứng nhận có giá trị nhân loại - là kết tinh của tất cả những điều tốt đẹp của cuộc sống. Nó được nhân dân giữ gìn và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hàng nghìn năm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan là hai di sản của vùng đất Tổ có sự gắn bó mật thiết, hòa quyện. Trong các lễ hội Đền Hùng hàng năm đều không thể thiếu hát Xoan. Hình thức "Diễn xướng dân gian hát Xoan" là sản phẩm của đời sống tinh thần có giá trị cao bắt nguồn từ trong sinh hoạt của cư dân trên vùng đất Phú Thọ từ lúc khởi nguồn của Nhà nước Văn Lang với sự trị vì của các đời Vua Hùng truyền nối.
Bản sắc văn hóa, đạo lí truyền thống của người Việt Nam
Trong dòng chảy của thời gian và không gian theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, không chỉ còn là huyền thoại, trong tâm thức của cộng đồng dân cư đất Việt, Hùng Vương vừa là Quốc Tổ, vừa là bậc Thánh Vương, là người lập nước, chăm lo cuộc sống cho dân.
Quốc Tổ Hùng Vương vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam bắt đầu từ thuở hồng hoang. Vua tôi cùng cày cấy đề làm nên một nền văn minh lúa nước hôm nay. Vua dạy dân đắp đê ngăn lũ, chống chọi với thiên nhiên hà khắc, lên rừng săn thú chim muông, xuống biển đánh bắt tôm cá... và luôn cảnh giác, kiên cường chống giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Đó là ý nghĩa sâu xa để dân tộc Việt Nam tự hào cùng chung một vị Tổ Vương, cùng nhau đóng góp cả Tâm- Trí- Tài- Lực vun đắp và dựng nên một Đền thờ chung để thờ cúng, chiêm bái. Đặc biệt vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, những ngươi con dân đất Việt từ khắp mọi miền đất nước lại cùng nhau hành hương về vùng đất thiêng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng.
Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" (Ảnh TTXVN) |
Niềm tin trong chiêm bái, tri ân Tổ tiên của người Việt Nam đã đạt đến độ tín ngưỡng và trở thành một di sản văn hóa tâm linh đặc sắc mang tính đại diện nhân loại rõ rệt.
Cùng với việc thờ cùng ở đền thờ các Vua Hùng trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh, các vua Hùng còn được cư dân thờ cúng ở hàng trăm thôn, làng trên địa bàn Phú Thọ.
Ông Nguyễn Hữu Ích - ở thôn Hoàng Long, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) kể rằng, hàng năm, người dân trong làng đều tổ chức tiệc thờ cúng Hùng Vương vào mùng 7 tháng Giêng và 7/8 âm lịch. Người dân trong làng vẫn giữ phong tục thờ cúng các Vua Hùng là thành hoàng của làng. Người dân thường rước kiệu và mổ lợn trong ngày này để cầu cho quốc thái dân an, mọi điều tốt lành.
Còn ông Hoàng Công Suất - ở thôn Vĩnh Bộ - xã Cao Xá- huyện Lâm Thao (Phú Thọ) kể, ngày 15/2 âm lịch hàng năm người dân đều tổ chức lễ giỗ thành hoàng làng - con rể thứ 18 của Vua Hùng. Trong những ngày đó, người dân tổ chức chọi gà, kéo co... Còn các bậc cao niên trong làng sẽ khuyên bảo cho thế hệ con, cháu phải chăm chỉ học hành trở thành người tốt, luôn luôn tưởng nhớ công lao các vua Hùng và xây dựng đất nước.
Còn bà Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) thì kể, hàng năm dân làng đều tổ chức giỗ mẫu - người sinh ra vua Hùng vào 10/2 âm lịch hàng năm. Trong lễ giỗ người dân làm bánh chưng, bánh giày dâng lên mẫu, để giáo dục các cháu nhớ về tổ tiên.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, ngoài đền thờ các Vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương), ở Phú Thọ còn có hơn 100 đền miếu thờ vua Hùng. Đó mới thực sự là nơi diễn ra những nghi lễ thờ cúng của nhân dân và được UNESCO đánh giá rất cao điều này.
Không chỉ ở Phú Thọ, trên dải đất hình chữ S của chúng ta có trên 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các bậc danh nhân, tiền nhân liên quan đến thời đại Hùng Vương. (ảnh minh họa: Quang Trung) |
Ông Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) bày tỏ, Giỗ Tổ Hùng Vương là trách nhiệm của cả nước, chúng ta rất biết ơn nhân dân Phú Thọ hàng nghìn năm qua đã trông nom, gìn giữ, tôn tạo thái miếu của tiên tổ và duy trì việc thờ cúng tổ tiên. Việc tỉnh Phú Thọ tạo điều kiện để nhân dân về giỗ Tổ ngày càng đông hơn là rất tốt. Việc năm nay có 9 tỉnh cùng tham gia giỗ Tổ thể hiện trách nhiệm của các địa phương cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức giỗ Tổ. Đông đảo nhân dân hàng hương về giỗ Tổ càng khơi dậy niềm tự hào của người dân Việt Nam về truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
Không chỉ ở Phú Thọ, trên dải đất hình chữ S của chúng ta có trên 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các bậc danh nhân, tiền nhân liên quan đến thời đại Hùng Vương. Nhiều đền thờ Vua Hùng cũng đã được đồng bào ta ở nước ngoài chung sức xây dựng, để thể hiện tấm lòng hướng về tiên tổ. Đó chính là minh chứng của lịch sử, của truyền thống đại đoàn kết để bảo vệ và dựng xây đất nước.
Chính vì thế, theo PGS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, việc bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì điều quan trọng nhất là phải làm cho việc thờ cúng Hùng Vương trở thành nét sinh hoạt tự nhiên của từng thành viên trong cộng đồng, từ người cao tuổi đến những người trẻ. Cần chú trọng truyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ nắm bắt tri thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Mạch chảy văn hóa, lấp lánh cõi tâm linh
Hát Xoan - đó là tâm hồn con người được ngân lên với những ươc mơ, khát khao về tình yêu, hạnh phúc và sự kính trọng tiên tổ, sự no ấm của mùa màng đem lại. Những trình thức trong hát có động tác minh họa được lựa chọn tinh tế để trở thành một nghi thức nghiêm cẩn, chính thống, sâu rộng, có sức truyền cảm - làm tăng thêm sức sống của mùa Xuân và làm giàu thêm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của lối hát thờ Vua, thờ thần.
Phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu là một trong 4 phường Xoan cổ ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trùm phường Xoan An Thái là nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, năm nay hơn 60 tuổi . Bà Lịch sinh ra trong một gia đình có 5 thế hệ hát Xoan.
Một lớp học của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch |
Ông và cha của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng đều là trùm phường Xoan. Bà Lịch biết hát Xoan từ năm 13 tuổi và trong những năm qua, bà đã truyền dạy hát Xoan cho hàng nghìn người. Riêng trong một năm qua, bà đã truyền dạy hát Xoan cho 20 lớp. Tại phường Xoan An Thái, cứ tối thứ bẩy và chủ nhật là bà tổ chức dạy cho các cháu trong phường. Hiện trong phường có gần 20 em đang học Trung học phổ thông theo học. Có em học hát đã 4-5 năm nay và đều rất thích thú thể loại hát Xoan.
Em Bùi Thị Thùy Linh - Trường THCS Phượng Lâu khoe đã theo học bà Lịch được gần 2 năm và đã học được gần hết các quả cách, nghi lễ hoặc hát hội đều hát được. Với em, hát Xoan hấp dẫn bởi nó lưu giữ được những giá trị quí giá từ cổ xưa cha ông truyền dạy lại cho đến bây giờ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch và các "học trò" đi biểu diễn tại hội |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng như các nghệ nhân khác ở Phú Thọ đều sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người yêu mến nghệ thuật hát Xoan. Hiện ở Phú Thọ có 69 nghệ nhân hát Xoan trên 60 tuổi, nhưng chỉ có 8 người có đủ sức khỏe để truyền dạy.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là người có thể hát và truyền dạy cả 3 chặng của hát Xoan là: hát Nghi lễ, hát các quả cách và hát hội. Không chỉ dạy hát Xoan ở Phú Thọ, bà Lịch còn đi dạy hát Xoan ở Yên Bái và một số tỉnh khác. Bà làm tất cả những việc này mà không chờ đợi bất cứ chế độ đãi ngộ gì. Bởi theo bà "nếu cứ chờ nhà nước đãi ngộ thì Xoan làm gì có được vinh danh như ngày hôm nay. Trong 50 năm gìn giữ hát Xoan, tôi đâu biết là sẽ được thế giới vinh danh. Chúng tôi làm vậy hoàn toàn không trông chờ vào điều gì mà tất cả hát vì tín ngưỡng, hát để thờ vua Hùng. Đây là truyền thống, di sản được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để lưu giữ. Với tôi cuộc sống là để làm việc, hát Xoan, trình diễn và truyền dạy cho các em...".
Trong hơn một năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tạo những điều kiện tốt nhất để di sản hát Xoan được bảo tồn và ngày càng sinh sôi. Theo ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ, cùng với việc phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, địa phương để sản xuất những chương trình tuyên truyền về hát Xoan trên truyền hình, tỉnh cũng xuất bản sách về hát Xoan, đĩa CD, VCD quảng bá.
Ngoài ra, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành qui chế phong tặng nghệ nhân hát Xoan. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành qui chế này ở địa phương. Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2012, Phú Thọ đã xét chọn vinh danh 34 nghệ nhân hát Xoan đầu tiên, trong đó có 31 nghệ nhân thuộc tỉnh Phú Thọ, 3 nghệ nhân thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh còn phối hợp với Sở GD-ĐT Phú Thọ để đưa hát Xoan vào trường học, với những hình thức phù hợp.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hai di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan ở Phú Thọ" đã và đang tiếp tục được lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, tỏa sáng trong cốt hồn Văn hóa - Tâm linh dân tộc./.