Trong những ngày này ở Phú Thọ diễn ra nhiều hoạt động. Sáng 27/3 (tức 6/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), BTC Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 đã tổ chức lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. Trước điện thờ Quốc tổ, các đại biểu và đồng bào về dự lễ dâng hương đã bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ đã khởi dựng cơ đồ và đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, tại đền Mẫu Âu Cơ, Ban Tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 cũng đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Mẫu Âu Cơ.
Trước đó, sáng 26/3 (tức 5/3 âm lịch), Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Việt Trì long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cùng Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (diễn ra vào sáng 10/3 âm lịch (tức 21/3), còn có lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 8/3 âm lịch (tức 29/3) với sự có mặt của Đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc nhằm phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Một hoạt động đáng chú ý trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay là tọa đàm khoa học “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam” diễn ra sáng 26/3, tại TP Việt Trì (Phú Thọ). Tọa đàm nhằm thu thập thêm các ý kiến đánh giá, phân tích về giá trị văn hóa - lịch sử của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; xác định vị trí, sự biểu hiện, sự cần thiết của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống tâm linh người Việt Nam; đưa ra các ý kiến về cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đóng góp ý kiến để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". Tại tọa đàm, các nhà khoa học nhất trí rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội; khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống; khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài về nguồn gốc, nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội; tổ chức du lịch đúng hướng để phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương, các đối tác kinh doanh du lịch và du khách trong việc bảo tồn di tích...
Các hoạt động của lễ Giổ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức gắn với Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2012 của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, với nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ, đêm trình diễn "Xoan cổ", triển lãm ảnh “Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam”, đánh trống đồng, múa sư tử và hát Xoan do các phường Xoan cổ tỉnh Phú Thọ thực hiện; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy và các hoạt động thể thao, văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian...; giải bơi chải trên sông Lô; tổ chức giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương./.