Giữa phố Hàng Bông, trung tâm thủ đô Hà Nội, có một ngôi nhà sơn màu hồng mang tên Salon Natasha. Đây là địa chỉ thân quen với công chúng yêu hội họa và là một trong những gallery uy tín trong giới mỹ thuật suốt 22 năm qua. Chủ nhân của Salon này là nghệ sỹ người Nga Natalia Kraevskaia, thường được biết đến với cái tên thân mật là Natasha. Người nghệ sỹ này có tình cảm sâu đậm với Hà Nội và luôn hết lòng vì sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, trước hết bởi vì bà là một người con dâu Hà Nội.
Năm 1990, bà Natasha cùng chồng là cố họa sỹ Vũ Dân Tân đã biến ngôi nhà của họ thành một không gian trưng bày nghệ thuật với ý tưởng giúp đỡ những tài năng nghệ thuật trẻ và những nghệ sỹ thích thử nghiệm sự phá cách. Bà Natasha cho biết, đây là gallery tư nhân đầu tiên, đồng thời là gallery đầu tiên của nghệ thuật đương đại Việt Nam, và đó không phải là lý do duy nhất làm cho salon này trở nên đặc biệt.
Salon Natasha, 30 Hàng Bông là gallery tư nhân đầu tiên, đồng thời là gallery đầu tiên của nghệ thuật đương đại Việt Nam. |
Bà Natasha cho biết: “Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chỉ có những gallery của nhà nước trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cổ điển. Salon Natasha là gallery tư nhân, độc lập, do nghệ sỹ vận hành, nên chúng tôi có cơ hội giới thiệu những loại hình nghệ thuật mới, các tác phẩm của những tên tuổi mới, những nghệ sỹ trẻ. Lý do nữa khiến gallery của chúng tôi đặc biệt là vì chúng tôi hoạt động phi thương mại. Mục đích của tôi là nâng đỡ, thúc đẩy những nghệ sỹ mới, theo xu hướng nghệ thuật phá cách”.
Nghệ sĩ Natasha |
“Cổ kính – lãng mạn – năng động” là 3 từ ngắn gọn mà nghệ sĩ người Nga đã dùng để miêu tả Hà Nội. Gắn bó với Hà Nội gần 30 năm qua, chất Hà Nội phần nào đã “ngấm” vào bà trong suy nghĩ, cách hành xử, trong từng cử chỉ, kể cả khi bà rót tách trà. Cuộc sống và quan niệm của bà cũng mang dấu ấn phương Đông, với những nghĩa vụ và bổn phận của một người con dâu đối với gia đình nhà chồng.
Không chỉ quán xuyến gia đình, trong những năm qua, người phụ nữ Nga này luôn nỗ lực hết sức góp phần cho sự phát triển của Hà Nội. Điều đó được thể hiện qua các dự án nghệ thuật liên quan tới Hà Nội mà bà đã thực hiện.
Từng mảnh tường, từng ngóc ngách trong nhà đều được tận dụng làm không gian trưng bày các tác phẩm, chủ yếu của chồng bà, cố họa sỹ Vũ Dân Tân. |
Ngoài ra cũng có tác phẩm của các họa sỹ theo xu hướng nghệ thuật phá cách khác. |
Nghệ sỹ Natasha cho biết: “Bản thân hoạt động của gallery này là một sự đóng góp cho đời sống nghệ thuật của Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng đã có những dự án đặc biệt dành cho Hà Nội. Dự án đầu tiên là cuốn sách ảnh giới thiệu về một nhóm nghệ sỹ trẻ, những người đã tiến hành những cuộc điều tra xã hội về Hà Nội trong tương lai. Sau đó họ làm ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên các cuộc phỏng vấn này. Cuốn sách mang tên Hà Nội - 5.000 năm - Hồ Gươm. Cuốn sách thứ 2 là để chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng long – Hà Nội. Tôi tổ chức 3 cuộc triển lãm riêng rẽ về những tác phẩm về Hà Nội của ngày xưa, lãng mạn, cổ kính; Hà Nội trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng, thay đổi diện mạo, những hiện tượng xã hội, và thậm chí cả những mặt trái; triển lãm thứ 3 là Hà Nội riêng - chung. Tất cả được lưu lại trong cuốn sách này”.
Góc làm việc của bà Natasha với bức ảnh chồng bà trên bàn làm việc và chân dung tự họa của cố họa sỹ trên mảng tường đằng sau. |
Bà Natasha cho biết, một dự án rất tâm huyết khác của bà là mang hình ảnh Salon Natasha, cùng những nét đẹp về Hà Nội ra thế giới. Hiện bà đã xây dựng tại Phần Lan một salon mô phỏng hệt như Salon ở Hà Nội. Bà cũng đã chuyển tới đó các tác phẩm nghệ thuật và rất nhiều thứ khác như trà xanh, rượu thuốc, sao cho nó thật giống với salon Hà Nội.
Hà Nội đang thay đổi rất nhanh chóng, phố phường tấp nập, nhịp sống hối hả, đúng như bà Natasha nói. Nhưng qua cánh cửa salon Natasha, là một Hà Nội khác, một Hà Nội trầm lắng hơn, một không gian để hoài niệm.
Góc căn nhà với những vật dụng từ xưa được trưng bày |
Cánh cửa Salon Natasha luôn mở rộng mỗi khi bà có nhà, để bất cứ ai cũng có thể ghé thăm, trao đổi về nghệ thuật, hay chỉ đơn giản là để chìm đắm trong không gian “di sản” của gia đình bà. Với những người yêu nghệ thuật, cánh cửa màu hồng ấy như tấm lòng hồn hậu, chân thật, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng sẻ chia của một người phụ nữ Nga sống trong lòng Hà Nội. Còn đối với những nghệ sỹ trẻ tâm huyết, dám phá cách, táo bạo trong sáng tạo, đó là cánh cửa giúp họ khẳng định mình, mở ra thành công, và vươn ra thế giới./.