Hợp tác giáo dục và văn hóa là hai trong số các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga. Mỗi năm, Chính phủ Nga dành hơn 500 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, hàng chục em được sang du học tại Liên bang Nga.

Bên cạnh tăng cường hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ tiếng Nga trong hệ thống các trường học của Việt Nam, Nga cũng đã xây dựng các dự án dịch thuật ngôn ngữ Nga – Việt qua các tác phẩm văn học kinh điển giữa hai nước. Đây được coi là chìa khóa mở ra sự hiểu biết, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước trên nhiều lĩnh vực. Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Yu. Lavrenev, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

img_0852.jpg
Ông Yu. Lavrenev, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội

PV: Xin ông cho biết những dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và văn hóa trong thời gian qua?

Ông A.Yu. Lavrenev: Tôi có thể khẳng định, hợp tác giáo dục đào tạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Nga và Việt Nam và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam sang Nga du học đều tăng. Chính phủ Nga đã dành khoảng gần 500 học bổng, lấy từ ngân sách Liên bang, dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong năm 2013, đã có hơn 450 học bổng được cấp, trong đó có khoảng 60 học bổng sẽ dành cho các sinh viên theo học ngành năng lượng hạt nhân. Chính phủ Nga cũng dành học bổng cho các sinh viên theo học ngôn ngữ tiếng Nga. Riêng Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cũng đã cấp 20 học bổng tiếng Nga trong năm nay thông qua cuộc thi Olympic tiếng Nga. Và các em học sinh, sinh viên nhận học bổng đã sang du học tại Nga.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thực hiện dự án dịch thuật văn học Nga và Việt Nam ra cả hai thứ tiếng, được hai Bộ Văn hóa ký kết năm ngoái. Dự án này là một dự án dài hạn. Hiện chúng tôi đã dịch được một số tác phẩm Nga ra tiếng Việt và đang dịch tác phẩm Hồn bướm mơ tiên của tác giả Khái Hưng ra tiếng Nga.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng đến mở rộng ngôn ngữ tiếng Nga ra các trường phổ thông và đại học của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các dự án hợp tác giáo dục cũng như văn hóa giữa Việt Nam – Nga đang tiến triển rất tốt và đang trở thành một trong những nền tảng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

PV: Ông vừa đề cập đến việc mở rộng ngôn ngữ tiếng Nga ra hệ thống các trường phổ thông và đại học Việt Nam. Ông có thể cho biết chi tiết về kế hoạch này?

Ông Yu. Lavrenev: Thật ra, ngay từ khi thành lập Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, chúng tôi đã mong muốn được đón chào nhiều người Việt Nam học tiếng Nga. Chúng tôi tổ chức các lớp học tiếng Nga ở nhiều trình độ khác nhau tại Trung tâm; xây dựng các câu lạc bộ tiếng Nga; tổ chức trại hè tiếng Nga. Hơn 250 học viên tiếng Nga đã được đào tạo/năm.

Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo tiếng Nga tại các trường phổ thông và đại học có đào tạo tiếng Nga, để nâng cao trình độ cho các giáo viên dạy tiếng Nga người Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng duy trì trao đổi các chuyên gia tiếng Nga hàng năm và cung cấp các giáo trình tiếng Nga. Thông qua đạo tạo tiếng Nga tạo cầu nối giao lưu nhân dân giữa hai nước.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngoại giao nhân dân đối với thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga?

Ông Yu. Lavrenev: Nhân dân hai nước Việt Nam – Liên bang Nga đã có một nền tảng quan hệ lâu đời tốt đẹp. Chúng ta vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho nhau trong nhiều thập kỷ qua. Nga đã ủng hộ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm và nay sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong phát triển kinh tế mở cửa, trên các diễn đàn quốc tế. Tôi cho rằng, giao lưu nhân dân đều có thể thông qua các không gian kinh tế, văn hóa, khoa học, du lịch… Đó cũng chính là nền tảng để giúp hai nước tiếp tục hợp tác khăng khít.

PV: Ông có thể cho biết những kế hoạch sắp tới của Trung tâm khoa học và văn hóa Nga nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Nga – Việt Nam?

Ông Yu. Lavrenev: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những công việc đang làm như phát triển tiếng Nga, giao lưu văn học, tổ chức các hoạt động khoa học và mở rộng không gian hợp tác kinh tế bằng cách đưa các doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường Việt Nam.

Hàng quý, chúng tôi đều có báo cáo và gửi Bộ Ngoại giao Nga những đề xuất hợp tác với Việt Nam. Trong năm tới, dự kiến chúng tôi sẽ tổ chức một diễn đàn khoa học Nga với các nước ASEAN, với sự tham của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và giáo dục. Đồng thời tăng các đầu sách dịch ra tiếng Nga và tiếng Việt.

Chúng tôi cũng dự kiến sẽ đề xuất tăng số học bổng của Nga cho các học sinh và sinh viên Việt Nam, cũng như tăng số lượng chuyên gia Nga tới giao lưu hội thảo tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!./.