Coi âm nhạc như cuộc dạo chơi, nhưng sau mỗi chương trình, Phó An My đều mang lại cho khán giả cảm giác “sốc”.
Đó là sự bùng cháy. Trước đây, tôi đặt là “Lửa thiêng” dựa trên kịch bản của Lương Tự Đức, giờ tôi đặt là “Lửa” cho súc tích. Lửa thể hiện sức mạnh ghê gớm, sôi sục. Mỗi nghệ sĩ chọn cho mình trường phái riêng, tôi thích những gì mạnh mẽ, sôi sục, máu lửa.
Từ năm 2005, chúng tôi đã có ý tưởng thực hiện với tuồng, năm 2008 chạy thử ở rạp Hồng Hà nhưng rồi dừng lại để làm “Bóng” trước. Bây giờ khi có đủ sự trải nghiệm tôi mới làm “Lửa”.
Sau chèo, cải lương, chầu văn, giờ đến tuồng, là chị đang nỗ lực để vực dậy âm nhạc truyền thống?
Không hẳn đâu, thực ra âm nhạc truyền thống vực tôi dậy thì đúng hơn vì tôi thích nó. Ở trường học, chương trình cơ bản đã dạy khái quát về âm nhạc truyền thống cho học sinh rồi. Đặng Tuệ Nguyên may mắn sinh ra trong một gia đình mọi người làm về âm nhạc dân gian nên có nhiều thuận lợi. Chúng tôi muốn tìm hướng đi song hành, tôn nhau giữa âm nhạc cổ điển phương Tây với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ở “Lửa” cũng vậy, tôi không muốn phá vỡ tuồng cổ, không muốn làm náo loạn tuồng.
Chị mê tuồng... đến cỡ nào?
Nói thật là hồi bé ai mà hát ru để ru tôi ngủ là tôi rất sợ vì nó buồn khủng khiếp, cứ nghe tiếng ru là tôi chỉ muốn khóc, và dù rất thích những mặt tuồng nhưng khi nghe tuồng thì tôi rùng rợn hết cả người, nghe sao mà ai oán bi thương. Lớn lên, khi có sự trải nghiệm rồi, tôi mới thích.
Cảm xúc của chị sau mỗi chương trình?
Phải nói là rất mệt.
Trở về sau 8 năm du học âm nhạc cổ điển tại Đức, con đường âm nhạc mà Phó An My đang đi thật chẳng giống ai, chị có thấy mình cô độc?
(Cười) Ồ không, mỗi lần tôi tổ chức đêm nhạc của mình, giống như một party vậy, xong là mọi người mổ xẻ bàn luận rôm lắm, mà khán giả có quan tâm thì mới tranh luận, thế thì “cô độc” sao được?! Có thể tôi làm cái mới thì người ta sẽ tò mò, còn có thành công hay không thì... chả biết được.
Một tác phẩm khi thực hiện theo chủ quan của mình thì rất “ok”, nhưng chưa chắc nó đã “ok” với khán giả. Ngay cả bản thân mình sau mỗi lần khi nghĩ lại còn muốn đào sâu hơn đề tài này nữa. Nhưng tôi nghĩ, sau khi mình làm tuồng sẽ nhiều người quan tâm đến tuồng hơn.
Chị có quan tâm khán giả nói về mình?
Tôi chỉ làm nghệ thuật một cách cảm tính thôi, chứ cứ ngồi đếm khán giả hay để ý họ nghĩ gì về mình thì còn làm được gì nữa. Sau mỗi chương trình, tôi dường như kiệt sức, còn hơi đâu mà để ý ai nghĩ gì về mình. Đường mình mình cứ đi, cứ nỗ lực hết sức thôi, còn đi được đến đâu lại là tùy duyên.
Nhìn cách chị “lên đồng” trong “Phiêu thanh”, “Bóng”, nhiều người bảo chị điên đấy, chị nghĩ sao?
Ồ, người điên thì đâu có biết họ đang điên. Những người ở trong nhà thương điên khi nhìn ra ngoài đường lại bảo những người tỉnh đang đi lại ngoài đường là điên. Cái điên là do cách nhìn của mỗi người. Mình không giống ai thì họ bảo mình điên. Ừ thì điên cũng được, chả sao! Hồi còn học ở Đức, ông thầy của tôi cũng bảo “mày cứ như thế này thì điên quá”. Sau một thời gian học cổ điển, tôi trở nên điềm tĩnh hơn.
Sau tuồng chị sẽ làm gì tiếp?
Nếu có định làm gì thì cũng phải chờ 2 năm nữa cho “lại sức”, có thể là chèo, cũng có thể là sự phát triển tiếp của tuồng hay đào sâu hơn nữa chầu văn. Tôi còn phải nghĩ đã.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Năm 2005, Phó An My bắt đầu thực hiện ý tưởng “Đối thoại giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với dòng khí nhạc phương Tây”.