Phóng viên: Thưa đạo diễn, lý do gì khiến anh và các nghệ sĩ nhà hát Tuổi Trẻ lựa chọn câu chuyện về chú Dế Mèn dũng cảm của nhà văn Tô Hoài để đưa lên sân khấu trong dịp này?

Đạo diễn Như Lai: Thứ nhất là “Dế Mèn phiêu lưu kỳ” ở nhà hát Tuổi Trẻ nói riêng đã tròn 20 tuổi, cách đây 20 năm nhà hát Tuổi Trẻ đã dàn dựng “Dế Mèn phiêu lưu ký”, một tác phẩm kịch dành cho thiếu nhi rất thành công. Năm nay sau 20 năm, đồng thời cũng là để tri ân 1 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài, do đó Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như đoàn kịch I lựa chọn vở kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” để đưa nó lên sân khấu.

demen2_bbdo.jpg
Cảnh trong vở kịch Dế Mèn phiêu lưu ký (Ảnh: Ngọc Ngà)

Tuy nhiên, năm nay đưa lên chúng tôi cũng mạnh dạn làm bằng hơi thở mới, để làm sao nó gần gũi hơn nữa với trẻ em. “Dế Mèn phiêu lưu ký” là câu chuyện dành cho rất nhiều thế hệ. Nhà văn Tô Hoài đã xuất sắc dùng câu chuyện của đồng cỏ để miêu tả toàn bộ một xã hội mà xã hội ấy cho đến bây giờ vấn còn sức nóng. Nó ăm ắp tiếng cười, ăm ắp bài học…

Qua xã hội, qua sự va đập của các nhân vật như dế Mèn, dế Choắt, dế Trũi người ta nhìn ra những bài học mà bản thân những nhân vật cũng có bài học. Có rất nhiều thế hệ đã lớn lên bằng những câu chuyện, những ca dao, những tục ngữ, những câu chuyện thiếu nhi trong văn học.

Đây cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ làm sao cho tác phẩm kinh điển của nhà văn Tô Hoài đến gần giũ hơn với khán giả trẻ. Tôi chỉ muốn mang lại cho khán giả một tác phẩm sân khấu, đặc biệt là khán giả trẻ, họ bắt đầu quan tâm trở lại với những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi.

Phóng viên: Không thể phủ nhận rằng “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ trước, tuy nhiên trong cuộc sống hôm nay liệu câu chuyện có còn sức hút như thế và đạo diễn đã làm gì để câu chuyện có hơi thở của ngày hôm nay?

Đạo diễn Như Lai: Bản thân cốt truyện của nhà văn Tô Hoài thì tất cả các nhân vật trong chuyện của ông ấy đều đã được nhân cách hóa, đó là cái hay, cái xuất sắc nhất của nhà văn Tô Hoài. Dế Mèn, dế Trũi hay đoàn Chuồn chuồn, ếch Cốm đều nói với giọng điệu của con người và nó được nhân cách hóa lên. Chính vì sự nhân cách hóa ấy nên nó làm cho tác phẩm có một sức sống mãnh liệt.

Vở kịch Dế mèn phiêu lưu ký được dàn dựng công phu trên sân khấu (Ảnh: Ngọc Ngà)

Trong lần dàn dựng này tôi cũng làm theo thủ pháp nhân cách hóa ấy. Tôi không cố gắng tả một con dế hay một đàn muồm muỗm… mà tôi cho rằng đó là một con người, mang hình hài của một con vật trên đồng cỏ nhưng có tính cách một con người, cũng ghen ghét, cũng đố kỵ, cũng nịnh hót, cũng làm trò và đôi khi tôi còn cho cả dế có những đoạn đối thoại với con người.

Những câu thoại, những tình tiết tôi làm mới lên. Đặc biệt tôi đẩy vấn đề về tương tác vào trong tác phẩm rất nhiều. Nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu dưới hình hài các loại vật trên đồng cỏ và giao lưu với khán giả.

Phóng viên: Thật ra hình thức tương tác với khán giả nhiều khi là con dao hai lưỡi, bởi đôi khi nó sẽ làm loãng không khí vở diễn, anh có thể nói rõ hơn về cách làm này?

Vở kịch Dế Mèn phiêu lưu ký được phóng tác theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài (Ảnh: Ngọc Ngà)

Đạo diễn Như Lai: Chúng tôi lựa chọn hình thức giao lưu ngay từ bên ngoài sân khấu, từ chỗ đón khách, chúng tôi đã cầm tay các bé, nói chuyện với các bé, các bé có biết “Dế Mèn phiêu lưu ký” không? Ai là bạn đồng hành của Dế Mèn…? Có những trẻ hoàn toàn không biết. Do đó, để khán giả sống trong không khí của “Dế Mèn phiêu lưu ký” tốt hơn thì chúng tôi lựa chọn hình thức giao lưu ngay từ khi đón khán giả vào. Mỗi nghệ sĩ đón cháu, nói chuyện với các cháu và mở đầu là cuộc giới thiệu về “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

Có lần đi tu nghiệp bên Nhật, tôi nhìn thấy cái cách họ đón tiếp khán giả, cách họ đối diện với câu chuyện kịch ngay từ đầu. Đối với các bạn thiếu nhi thì điều đó rất quan trọng, nó làm cho các bạn trẻ hiểu ngay được câu chuyện, và nó có sự định hướng rõ ràng cho nhân vật sẽ như thế này, như thế kia… Tôi cho rằng điều đó rất đáng học hỏi trong tình cảnh sân khấu hiện nay. Chúng ta phải làm sao cho gần khán giả nhiều nhất.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn./.