Giới văn chương phía Nam chỉ có ba “cụ” chơi thân với Tô Hoài; đó là Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng và Đoàn Minh Tuấn. Trong số đó, hai nhà văn Đoàn Giỏi và Nguyễn Quang Sáng đã về với cõi vĩnh hằng, nay chỉ còn Đoàn Minh Tuấn. Đêm 6/7/2014, ngay sau khi được tin nhà văn Tô Hoài qua đời, chúng tôi đã gọi điện thoại nhờ “cụ” Đoàn Minh Tuấn viết ít dòng về ông. Có lẽ đây là người duy nhất trong số những người bạn già của Tô Hoài còn viết được về ông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những kỷ niệm của một tình bạn thủy chung gần trọn thế kỷ này…

“Nhân sanh tự cổ thuỳ vô tử” người đời tự xưa không ai là không chết. Biết vậy nhưng tôi vẫn tưởng bác Tô Hoài còn sống mãi mặc dầu bác đã bước qua tuổi 95. Gần một thế kỷ, thượng thọ lắm rồi.

Năm 2012 ra thăm bác, tôi chúc bác tròn trăm bác còn mắng tôi: Vậy còn 7 năm nữa thôi à? Tôi hỏi bác có còn uống được không? Bác bảo: Chỉ rượu vang thôi. Tôi bỏ vào túi bác một triệu để Phương Vũ mua vang cho bác. Tôi với bác thân nhau từ ngày tôi tập kết ra Bắc, đến mức có thể lấy tiền túi lẫn nhau mà tiêu xài, có thì trả lại không có thì thôi!

untitled_45_nwet_drrm.jpg 

Nhà văn Tô Hoài (Ảnh: An Thành Đạt)

Với bác tôi có nhiều kỷ niệm trong nước từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt, Vũng Tàu, Kiên Giang… Đi đâu ở khách sạn bác cũng giới thiệu tôi là Minh Tuấn, bác cố ý thế, vì theo bác gọi Minh Tuấn coi tôi là kép cải lương, như Minh Tơ, Minh Vương chẳng hạn… Các cô phục vụ ở khách sạn hỏi tôi: Chú ở đoàn nào? Đoàn Minh Tuấn! Thế là các cô xô vào hỏi chuyện các cô đào cải lương như ở đoàn Thanh Nga, đoàn Minh Tơ… Bác có nụ cười đôn hậu và hay đùa vui như thế.

Có lần gặp bác ở Tasken, ở Moscow, ở New Dehli… tôi và bác vẫn uống rượu tì tì. Những lần bác ở Hội nghị Nhà văn Á Phi về gặp lại ở Moscow, tôi và bác phải xếp hàng mua Vốt-ka vì lúc bấy giờ Liên Xô cấm rượu – khách nước ngoài chỉ xếp hàng mua được 100gam mỗi người. Hồi ấy những năm 80 của thế kỷ trước, bác cũng khoẻ, chỉ vài hơi uống cạn cả ly, tôi thì từ từ, bác hay “ăn gian” uống trội hơn tôi.

Tô Hoài là nhà văn lớn mà từ việc tổ trưởng khu phố, nghị trường Quốc hội, hội thảo nhà văn quốc tế đều phát biểu một cách có trách nhiệm và tỉ mỉ.

Đi đâu bác cũng ghi chép, ngồi tàu hoả, đi nông thôn, vào xưởng thợ, uống cà phê đều đọc hoặc ghi cẩn thận. Bác là con cua bò ngang nhưng về đến đích sớm. Bác bảo tôi: Khi nào tim ngừng đập thì mới ngừng viết, ngừng đọc. Bác đọc tờ báo, từ quảng cáo đến giá tiền cuối trang báo. Bác đã viết tác phẩm nhiều  gần gấp hai lần tuổi đời của mình, trên một trăm tám mươi đầu sách, hàng chục tiểu thuyết, hồi ký đến phê bình văn học, bút ký, truyện ngắn, thể loại nào cũng thành công. Tôi chơi với bác có tính cách “điếu đóm” – tôi cũng nói với Nguyễn Tuân như vậy. Hôm nói chuyện với sinh viên Đại học Sư phạm năm 1997, bác nói lại: Điếu của mình đóm của mình mà cụ Nguyễn Tuân không cho phục vụ, huống hồ Đoàn Minh Tuấn là điếu đóm của cụ mà cụ cho theo là điều hạnh phúc đấy!

Bác Nguyễn Tuân giới thiệu tôi với Tô Hoài từ những năm đầu tôi tập kết ra Hà Nội. Hai cụ là tri âm với nhau, còn tôi là bạn vong niên kém cụ Tuân hai mươi tuổi và thua Tô Hoài mười tuổi.

Mỗi lần ra Hà Nội là Tô Hoài hay mời tôi hầu rượu bác Nguyễn. Bác Nguyễn xách ba-toong và cái chai rỗng đến nhà bà Ngọc Trai, quẳng chai không vào cửa sổ, là ngay chiều hôm đó chị Ngọc Trai đong đầy rượu “cuốc lủi” cho cuộc nhậu.

Bây giờ ra Hà Nội, vắng các bậc đại sư ấy thì rất buồn.

Tô Hoài cả đời cầm bút, cả đời lai rai, mà có đến hàng trăm tác phẩm, ông là người lao động cật lực, không mệt mỏi cho đến lúc lìa đời. Chao ôi! Nước ta có những anh hùng như thế - Tôi rất hoan nghênh ý kiến của nhà văn Vũ Tú Nam: Ông cống hiến như vậy xứng đáng là Anh hùng Lao động! Xứng đáng là Đại sư…/.

Nhà văn Tô Hoài, họ và tên khai sinh: Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920. Nguyên quán: thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Sinh quán: phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

Nhà văn Tô Hoài từ trần ngày 6/7/2014 (tức ngày 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 95 tuổi. Lễ truy điệu và lễ viếng được tổ chức vào hồi 9h00 thứ năm, ngày 17/7/2014 (tức ngày 21 tháng 6 năm Giáp Ngọ) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng được tiến hành tại nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội).