Tham dự Liên hoan gồm các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai và Điện Biên.

Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp báo sáng 25/10, tại Hà Nội do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

tai-cuoc-hop-bao-25-10.jpg
Tại cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: Liên hoan là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Đặc biệt, Liên hoan nhằm tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng Then.

Thông qua liên hoan nhằm từng bước chuẩn bị tiến tới quá trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then, đàn Tính là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ liên hoan gồm: triển lãm “Di sản văn hóa Then”, trưng bày các hiện vật, sản phẩm, hình ảnh giới thiệu nghệ thuật hát Then; Hội thảo “Bảo tồn, phát huy Hát Then trong giai đoạn hiện nay” và chương trình biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính 9 tỉnh tham gia liên hoan.

Theo TS Hoàng Văn Báu, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn: Mọi công tác chuẩn bị cho Liên hoàn đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày khai cuộc.

Hát Then là văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng Tây Bắc. Then là Thiên, tức là Trời, vì thế điệu hát Then vẫn được người Tày, người Nùng, người Thái coi là điệu hát thần tiên. Hát Then là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái.

TS Hoàng Văn Báu cũng nhấn mạnh: Hát Then, đàn Tính, múa Then… là hơi thở của đồng bào Nùng, Thái và Tày và mỗi một vùng miền đều có những điểm độc đáo khác biệt.

Để phát huy và bảo tồn làn điệu Then còn lại với thời gian, cách duy nhất của tỉnh Lạng Sơn đã và đang làm là truyền dạy trực tiếp từ thế hệ trước cho thế hệ trẻ. Hiện ở Lạng Sơn cũng đã tổ chức rất nhiều buổi hát Then quần chúng để truyền lại cho các lớp trẻ./.