56 ngày đêm đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa quân đội Liên hiệp Pháp và quân đội giải phóng Việt Nam. Kể từ đó, cụm từ “Quân đội Nhân dân Việt Nam” đồng nghĩa với lòng dũng cảm và sự hy sinh”, đó là nhận định của tác giả Ivan Cadeau trong cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/03-07/05/1954”, đúc rút từ những nghiên cứu sâu sắc từ nguồn tư liệu của phía quân đội Pháp.
Tác giả Ivan Cadeau ký tặng và trao cuốn sách gốc cho Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước. |
Cuốn sách mới được Cục lưu trữ Nhà nước mua bản quyền và ra mắt bản dịch tiếng Việt do nhận định đây là một nguồn tư liệu quý cần lưu giữ. Cách tiếp cận mới của cuốn sách cũng như góc nhìn tôn trọng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam góp thêm một tiếng nói hòa giải, tôn trọng lịch sử và cùng nhau hướng tới tương lai.
Cuốn sách gồm 272 trang, với 7 chương mở đầu bằng cuộc điện đàm cuối cùng giữa tướng Cogny từ Hà Nội với tướng De Castries từ Điện Biên Phủ: “Phải kết thúc điều đó ngay bây giờ, nhưng không phải dưới hình thức đầu hàng. Đó là điều cấm kỵ với chúng ta, hãy để đạn pháo tự làm điều đó, không được đầu hàng. Điều đó sẽ làm hoen ố tất cả những gì mà ông đã làm được cho tới tận bây giờ”. Đây chính là nội dung cuộc nói chuyện diễn ra lúc 17h ngày 7/5/01954, tức chỉ nửa tiếng trước khi quân đội Pháp đầu hàng, đánh dấu sự “hấp hối” của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, cũng như Cuộc chiến tranh Đông Dương.
Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quát hơn khi tiếp cận với những tài liệu liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ, tác giả Ivan Cadeau đã tóm lược bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cũng như lý do dẫn đến cuộc Chiến tranh Đông Dương. Đến cuối năm 1953, khi Pháp chuẩn bị đưa quân đến Điện Biên Phủ, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm và quân Pháp vào thời điểm bấy giờ đang lâm vào thế bị động trên chiến trường. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương và vẫn còn nhận thức mơ hồ về mục đích cuộc chiến tranh này.
Trong một bản báo cáo trình lên Chính phủ Pháp hồi mùa Xuân năm 1953 có đoạn viết: “Rất có thể một thảm họa sẽ xảy ra ở Đông Dương, không có điều kỳ diệu nào có thể diễn ra ở đó”, một nhận định mà theo giới quân sự Pháp là vẫn còn giá trị 17 tháng sau đó:
“Mùa thu 1953, người Pháp muốn thoát ra khỏi chiến tranh Đông Dương. Đây cũng chính là lý do nước Pháp quyết định bổ nhiệm một người hoàn toàn không biết về Đông Dương. Bởi vì khi không biết gì về Đông dương sẽ nhìn nhận vấn đề theo một cách khác và chính phủ Pháp hi vọng có thể đưa đối thủ đến bàn đàm phán”.
Cuốn sách "Điện Biên Phủ: 13/03- 07/05/1954" |
Trong cuốn sách của mình, tác giả Ivan Cadeau đặc biệt nhấn mạnh vào quyết định của Chính phủ Pháp bổ nhiệm tướng Henri Navarre, một người không hiểu gì về Đông Dương và theo cách nói của giới tướng lĩnh Pháp lúc bấy giờ là “trái với những vị tướng từng chỉ huy lực lượng viễn chinh”, làm Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh Viễn Đông. Và bản thân tướng Navarre cũng sửng sốt với quyết định này.
Tuy nhiên, đối với chính phủ Pháp lúc bấy giờ, việc bổ nhiệm một vị chỉ huy không thông thạo ở đông dương có thể mang lại góc nhìn mới giúp “tìm ra lối thoát danh dự” khỏi cuộc xung đột. Nhiệm vụ của tướng Navarre là phải buộc Việt Minh nhận ra rằng họ không thể chiến thắng và giúp Pháp cùng các đồng minh có được vị thế mạnh khi bước vào thương lượng.
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Niềm tin vững chắc của tướng Na-va về một chiến thắng đã dần nhường chỗ cho nỗi hoài nghi ngày càng lớn. Trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Marc Jacquet ngày 1/1/1954, ông viết: “Cách đây hai tuần, tôi vẫn còn cho rằng đó là 100%... nhưng trước sự tập kết của các thiết bị mới tôi không thể đảm bảo chắc chắn về thành công”.
Ngày 13/3/1954 đã đánh dấu sự bắt đầu của “56 ngày đêm trận chiến ác liệt giữa quân đội Liên hiệp Pháp và quân đội giải phóng Việt Nam”. Cuộc tấn công lúc 17h30 phút ngày 13/3/1954 trên đồi Him Lam được coi là “ngày tận thế” đối với nhiều binh lính Pháp lúc bấy giờ. “Pháo binh Việt Minh, cho đến lúc đó vẫn bắn hà tiện, bỗng lộ diện và ào ào trút hỏa lực xuống cứ điểm”. Sự sụp đổ quá nhanh về phòng ngự, “chúng tôi vẫn chưa kịp cảm nhận thất thủ”, như lời kể sau này của tướng De Castries.
“Có rất những người lính Pháp chịu rất nhiều dằn vặt liên quan tới trận chiến này, không lúc nào họ cảm thấy thoải mái cả. Có những người họ nói rằng đã đến lúc chúng ta phải rời khỏi Đông Dương nước Pháp không còn gì để làm ở đây cả.”
Trong những ngày cuối cùng của trận chiến Điện Biện Phủ, Pháp càng hướng về đồng minh Mỹ, nhưng đều không mang lại kết quả. Và cho đến trước trận đánh cuối cùng ngày 7/5/1954, quân Pháp chỉ có khả năng đối đầu với 2.000 - 3.000 lính Việt Nam. Và như một kết quả tất yếu, 17h30 ngày 7/5 quân đội Pháp đầu hàng Việt Minh, kết thúc trận chiến kéo dài suốt 56 ngày đêm. Bức điện cuối cùng gửi đi lúc 1h50 ngày 8/5/1954 từ đồi Hồng Cúm viết: “phá vòng vây thất bại, không thể liên lạc được với các ngài nữa”. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.
Cũng từ sau sự kiện này, cái tên “Điện Biên Phủ” được nhắc đến để gợi nhớ sự can đảm và hy sinh của Quân đội giải phóng Việt Nam. Còn đối với Pháp, trận thua này - sự sụp đổ của trại cố thủ Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 chính là sự kết thúc của cuộc chiến tranh tại Đông Dương:
“Trước đó người dân Pháp không quá quan tâm tới Chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên thất bại tại Điện Biên Phủ làm người ta thức tỉnh với nhiều cảm xúc, đó là thương cảm với những người lính hi sinh và sự băn khoăn khó hiểu tại sao nước Pháp lại thất thủ trong một cuộc chiến như thế.”
Một Ủy ban đã được Chính phủ Pháp thành lập nhằm làm rõ tránh nhiệm, cũng như tìm ra nguyên nhân thất bại của cuộc chiến tại Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, so với việc “làm rõ toàn bộ sự thật” về trận đánh thì vào thời kỳ này, những chính phủ kế tiếp nhau của nền Đệ tứ Cộng hòa còn có nhiều mối bận tâm khác. 65 năm đã trôi qua, dư âm của cuộc chiến năm đó vẫn còn vang vọng mãi tới ngày hôm nay. Để khi nhìn lại, người ta không thể không công nhận rằng, Điện Biên Phủ là thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp trước một đối thủ dũng cảm, phải hi sinh rất nhiều xương máu để chiến thắng.
Trong lời kết của cuốn sách tác giả viết, hơn 6 thập kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, dù nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào, thì Điện Biên Phủ vẫn là hồi ức đáng trân trọng và tiếp tục được lưu truyền lại./.
Món nợ của điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ
Khai mạc tuần phim kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ