PV: Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, sau một năm có thể có nhiều bữa ăn linh đình, hoành tráng, có những bữa ăn không về được với gia đình, thì bữa cơm tất niên có ý nghĩa như thế nào với ông?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Trước hết tôi có thể khẳng định, bữa cơm tất niên (dân gian gọi ấm áp hơn là cỗ Tất niên) không chỉ để ăn, uống cho no bụng, cho thích khẩu, tức là vấn đề ẩm thực không còn quan trọng… như những bữa chén thông thường khác. Bữa cơm Tất niên gắn với yếu tố tâm linh, mà ở đây là những người quây quần xung quanh mâm cỗ tin rằng có sự hiện diện của cả những người đã khuất, gồm tổ tiên, ông bà, cha mẹ…(nếu những người này đã khuất).

Vì thế, mỗi yếu tố tạo nên mâm cỗ và không khí trùm quanh nó đều mang thông điệp về cái thiêng và chuyển tải lòng hiếu thảo, sự biết ơn, niềm hạnh phúc được sống trong sự chở che của các thần linh, được bình an bên người thân…với hy vọng rằng những gì tốt đẹp nhất đang chuẩn bị mở ra sau khi một năm cũ khép lại. Ngồi bên bữa cỗ Tất niên, con người thấy muốn chia sẻ, muốn yêu thương bằng một tình cảm tràn ngập cảm xúc. Khi đó lòng người bao dung hơn bình thường.

Cỗ tất niên là một sản phẩm văn hóa Việt rất đặc sắc. Tôi rất coi trọng bữa cơm Tất niên. Đó là lúc tôi nhận ra trách nhiệm và bổn phận của mình rõ ràng nhất.

Nhà văn Tạ Duy Anh

PV: Ông nhận thấy bữa cơm tất niên của gia đình người Việt đã thay đổi như thế nào trong những năm qua?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Có nhiều thứ thay đổi, nhiều thứ mất đi, nhiều thứ được thêm vào nhưng hình như bữa cơm Tất niên của người Việt thì không có mấy sự thay đổi. Có chăng thì ngày nay người ta bày biện nhiều hơn món ngon thuộc hàng cao lương mỹ vị xưa kia.

Nhưng dù có nhiều thứ đắt tiền đến đâu, thì bữa cơm Tất niên (với người Kinh) vẫn không thể thiếu con gà luộc (không có gà thì thay bằng chân giò), đĩa giò, bát canh măng... Không có một trong vài thứ này, rất khó mà hình dung có một bữa cỗ Tất niên đúng nghĩa. Chỉ nội điều đó thôi đã đủ thấy bữa cơm Tất niên “bền vững” trong văn hoá Tết nhất của người Việt như thế nào.

Nhưng bền vững nhất, thậm chí có thể là không bao giờ mất, đó là không khí háo hức mà nó tạo ra cho mọi thành viên trong gia đình khi ngồi bên mâm cỗ.

PV: Bữa cơm tất niên nào mà ông ghi nhớ nhất?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Đó có thể là bữa cơm Tất niên năm 1987, chuẩn bị đón năm Mậu Thìn. Khi đó gia đình tôi vừa thoát một đại hạn suýt khiến chúng tôi tan cửa nát nhà, thậm chí - nếu không may - có thể mất đi vài người thân. Trước đó vài tháng tôi vừa xuất ngũ từ Lào Cai trở lại Hoà Bình, làm lại công việc trước kia nhưng với một tinh thần hoàn toàn mới mẻ. Cuối năm ấy tôi cũng lĩnh cái thưởng Tết khá hậu hĩnh so với những cái Tết trước khi tôi từ công trường vào bộ đội.

Sau đủ tai ương mà cuối cùng đại gia đình chúng tôi vẫn nguyên vẹn và ngồi thành một vòng lớn bên mâm cỗ Tất niên, thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn. Tôi là thành viên về ăn tết muộn nhất, vì công việc bận rộn của công trường chuẩn bị cho việc hoàn thành nhà máy thủy điện. Đúng lúc mọi người chuẩn bị nâng chén thì tôi  mới từ ngoài ngõ bước vào, toàn thân bê bết bùn do tôi đi bộ dưới trời mưa lép nhép từ Chúc Sơn về chẵn 10 km. Tôi nhìn mọi người và tự nhiên thấy ứa nước mắt. Những giây phút sung sướng như vậy rất khó lặp lại trong đời cho dù sau này tôi có nhiều dịp ngồi bên người thân vào ngày cuối năm.

mam%20comtet.jpg
Bữa cơm tất niên thường phải có ít nhất  một trong các món: thịt gà, bánh chưng, dưa hành...(ảnh minh họa)

PV: Hiện nay nhiều gia đình thích đi du lịch trong dịp Tết, đồng nghĩa với việc không có bữa cơm tất niên theo truyền thống. Ông có thấy đó là điều đáng tiếc không?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Nếu đáng tiếc thì chỉ xảy ra với chính những người ấy thôi. Họ không thấy tiếc thì chả ai phải tiếc thay cho họ.

PV: Nhiều phụ nữ rất lo lắng, thậm chí là sợ hãi mỗi khi Tết đến vì họ chịu trách nhiệm chính trong việc làm cỗ bàn, thờ cúng, dọn dẹp nhà cửa…. Theo ông, đàn ông nên chia sẻ với phụ nữ như thế nào trong những việc này?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Thực ra những gì chị nêu chỉ là thể hiện ra bên ngoài, còn trong thâm tâm thì các bà nội trợ luôn thấy hạnh phúc khi được vất vả với chồng con, người thân mỗi dịp Tết đến, kể cả khi thở ra…đằng gáy vì mệt! Tôi quan sát mẹ tôi trước kia và vợ tôi bây giờ, thấy họ rất giống nhau ở chỗ vừa làm quần quật những việc chế biến thức ăn, dọn dẹp nhà cửa vừa kêu ca, than vãn nhưng trong lòng thì tràn ngập niềm vui.

Tuy nhiên họ sẽ còn vui hơn nếu mọi người cùng xúm tay vào. Có lẽ vợ tôi sẽ không bỏ tôi vì ít nhất mấy ngày Tết tôi luôn quanh quẩn gần khu bếp để chờ cô ấy sai bảo. Khi đó tôi được dịp để hối lỗi với vợ về 364 ngày chỉ thích được người khác hầu hạ, trong khi đó thì tội luôn đầy mình, còn cô ấy thì cảm thấy mình có một lão chồng đầy khiếm khuyết, vừa xấu vừa bẩn nhưng hóa ra không đến nỗi bỏ đi hoàn toàn.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Tạ Duy Anh./.