Trên khắp nước Pháp, cộng đồng người Việt đang tưng bừng với các hoạt động đón Tết. Nhưng có lẽ ít ở nơi đâu, cảm giác về Tết quê hương lại hiện hữu rõ nét như tại thành phố nhỏ Vitré, cách thủ đô Paris của Pháp khoảng 300 km.

Từ mổ lợn, gói giò chả, gói bánh chưng cho đến nấu các món truyền thống như nem, miến, măng … bà con người Việt tại Vitré đã cố gắng tối đa để cùng đón một cái Tết thực sự Việt nam dù tại đất Pháp.

tv2.jpg
Các công đoạn chuẩn bị cho việc gói bánh chưng được chuẩn bị từ sớm.

Thành phố nhỏ và bình yên Vitré hiện tụ hội khoảng 100 hộ gia đình người Việt - những người sang Pháp theo diện hợp tác lao động xuất khẩu từ năm 2002 và làm việc tại các nhà máy chế biến thịt trong vùng. Cũng nhờ cái nghề đặc biệt này mà các anh chị em đều rất thạo trong việc mổ lợn, làm giò chả, làm nem chua, gói bánh chưng - những món ăn truyền thống của Việt nam không dễ gì mua được tại thành phố nhỏ này.

Mọi năm, Tết thường được tổ chức tại hội trường lớn, nhưng năm nay, một số gia đình thân thiết tụ họp nhau tại nhà anh Lê Anh Tuấn và chị Ngô Thị Nguyệt - một trong những gia đình đầu tiên có mặt tại Vitré – để cùng tổ chức một cái Tết đầy đủ phong tục truyền thống.

Bác Nguyễn Xuân Phú hài lòng nhìn chiếc bánh chưng vuông vức vừa gói xong.

Trong căn nhà được xây dựng giản dị, gian bếp vẫn sàn xi măng và cách thức bày trí như ở quê nhà, anh Lê Anh Tuấn xúc động cho biết: "Anh em ở Vitré năm nào cũng tổ chức Tết, tại hội trường. Riêng năm nay chúng tôi muốn làm cái Tết gia đình làm tại nhà. Cứ Tết dến xuân về, anh em rất phấn khởi làm Tết truyền thống để con cháu tưởng nhớ đến quê hương. Người biết làm cái này người biết làm cái kia làm nên một cái Tết vui vẻ".

Chị Nguyệt cho biết thêm, các nguyên liệu cần thiết cho Tết đã được gửi từ Việt Nam từ hàng tháng trước như lá dong, lạt, gạo nếp, đỗ xanh, măng khô, miến … và nhà nào có gì đều để dành và góp cho bữa cơm thiêng liêng ngày Tết.

Từ tối hôm trước, các anh chị em đã cùng nhau chuẩn bị việc ngâm gạo, đỗ và phân công các công việc của ngày hôm sau như dậy sớm đi thịt lợn tại trang trại, rửa lá, lau lá để gói bánh ; chuẩn bị lá chuối để làm giò lụa ; nấu măng, làm nem … Sáng sớm dậy, mọi người đều hăng hái mỗi người một việc, tiếng cười nói rôm rả, trẻ con nô đùa từ trong nhà ra ngoài sân… Một khung cảnh sum vầy khiến chúng tôi cảm thấy như được về quê của mình.

Anh Hảo tìm lại cảm xúc ngày ở nhà khi luộc bánh chưng bằng củi.

Dậy từ sớm cùng anh em ra trang trại thịt lợn và mang về những tảng thịt tươi roi rói, anh Phạm Bá Năm thành thạo xẻ thịt nạc để gói giò; thịt ba chỉ sắt miếng để gói bánh chưng. Anh Năm cho biết, nguyên tắc truyền thống trong làm giò chả được các anh học từ quê nhà và sang đây người này truyền cho người khác để làm sao cố gắng giữ đúng hương vị quê hương, dù phương tiện đa số phải "tự chế".

"Để có giò ngon thì phải chú ý ngay từ khâu ban đầu là mổ lợn, làm sao phần thịt nạc không bị chết. Điều kiện bên này không bằng ở Việt nam, tự làm tự ăn. Cách thức làm giò người nọ truyền cho người kia, chúng tôi cũng không học ở trường lớp nào. Quá trình xay thịt phải vừa đủ tầm, xay kỹ quá thì giò lại hỏng. Khuôn từ thiết kế, tự anh em nhờ thợ bên này làm, tự làm và luộc với nhau" - anh Phạm Bá Năm chia sẻ.

Bữa cơm đầm ấm của cộng đồng người Việt ở Vitré.

Trong khi thịt được xay làm giò bên ngoài gara ô tô, bên trong nhà, lá dong, lạt, gạo, đỗ đã sẵn sàng, chỉ chờ thịt là công đoạn gói bánh chưng bắt đầu. Bác Nguyễn Xuân Phú hài lòng nhìn chiếc bánh chưng vuông vức vừa gói xong, xúc động cho biết, dù gia đình bác sống ở cách Vitré hơn 80 km, nhưng từ người lớn đến trẻ con, ai cũng hăng hái dậy từ sớm để xuống chung vui.

"Truyền thống gói bánh chưng được giữ từ lâu trong gia đình, cuối năm gia đình tụ họp gói chiếc bánh chưng xanh. Chúng tôi vui mừng được gói những chiếc bánh truyền thống tại Pháp. Chiếc bánh chưng xanh truyền thống của Việt Nam được gửi gắm từ Pháp cũng đủ hương vị như chiếc bánh chưng ở Việt Nam, đủ gạo, đỗ, thịt mỡ" - bác Phú cho biết.

Cùng tham gia gói bánh chưng, chị Vũ Thị Thủy bày tỏ cảm xúc : "Mọi người trong lòng rất hạnh phúc và sung sướng vì được tổ chức một cái tết không khác gì ở nhà. Gói bánh chưng mình gói bằng khuôn, lá dong y hệt ở nhà. Gạo thì không ngon bằng gạo ở nhà, có điều kiện thì gửi ở nhà sang. Các phong tục như ngày ông công ông táo, chúng em cũng mua đồ thắp hương. Tết thì cúng giao thừa, mùng 1, bố mẹ chú bác không ở đây thì không có phong tục đến lễ tết thì thay bằng gọi điện về nhà chúc tết bố mẹ, chú bác ở quê".

Mỗi người một việc, nhanh thoăn thoắt, một lúc đã hoàn thành 60 chiếc bánh chưng vuông vức. Bánh được xếp vào 3 nồi lớn, lót dưới đáy nồi là cuộng và lá dong thừa và bếp củi đã sẵn sàng.

Tại Pháp, việc đun được bánh chưng bằng bếp củi là rất hiếm, nhất là tại Thủ đô Paris, bởi nhiều khi khói lửa nghi ngút làm hàng xóm tưởng là cháy và gọi lính cứu hỏa tới. Ngồi bên cạnh bếp lửa ấm áp, anh Nguyễn Trắc Hảo nghẹn ngào nói về hình ảnh mà ít người Việt nào quên được, hình ảnh nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng.

"Cảm xúc khi ngồi bên nồi bánh chưng bếp củi thì đúng là người Việt không ai quên được. Trước đây ở nhà 28 Tết, ba mẹ nấu bánh, mình cứ lon ton chạy quanh, thỉnh thoảng tiếp thêm chút nước, chút củi rất vui. Lâu lắm mới được dịp nấu bánh chưng bằng củi, mọi năm cũng có bánh chưng nhưng không vui như năm nay. Năm nay đông vui và được nấu bánh chưng bằng củi, cảm giác y hệt như nấu bánh chưng ngày xưa ở quê" - anh Hảo tâm sự.

Hai đêm tụ họp, trừ trẻ con, người lớn gần như không ngủ mấy. Sau bữa cơm thịnh soạn, mọi người lại quây quần bên ấm trà mạn, trò chuyện râm ran, rồi cùng nhau hát vang những bài ca quê hương.

Bỏ mặc bên ngoài thời tiết giá lạnh cùng những lo toan cuộc sống mưu sinh, một không khí Việt ấm cúng bên trong ngôi nhà nhỏ, nỗi nhớ quê hương đến nao lòng dường như dịu bớt. Như lời các bác, các anh chị, thì ý thức và cảm xúc về ngày Tết Việt thiêng liêng luôn ở trong trái tim họ, dù có đi xa tới đâu./.