Sáng 20/7, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - họa sĩ tài danh, người được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1 năm 1996.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đánh giá cao những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đối với Hội Mỹ thuật Việt Nam và nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Họa sĩ Khánh Chương nhấn mạnh: “Nguyễn Phan Chánh là một họa sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, một danh họa, một nhà hoạt động xã hội, một tấm gương về đức tính khiêm tốn, thanh đạm. Tranh lụa và nhiều tác phẩm khác của ông là những tác phẩm quý giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều Bảo tàng sưu tập nhân nhân trong nước và quốc tế: Pháp, Nhật, Singapore và Thụy Sỹ”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của gia đình, trong cuộc đời họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, ông đã để lại 170 tác phẩm tranh lụa, 52 tác phẩm ký họa, tổ chức 4 cuộc triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm trong nước quốc tế. Hơn 600 bài nghiên cứu về ông và các phẩm của ông được công bố.

tac-pham-choi-o-an-quan.jpg

Tác phẩm “Chơi ô ăn quan” (1931) – đỉnh cao nổi bật trong gia tài hội họa Nguyễn Phan Chánh.

 
Họa sĩ mở đầu cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, bút hiệu Hồng Nam sinh ngày 21/7/1892, tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết – huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh)- Nơi quê hương bình yên còn giữ nhiều phong tục cổ truyền. Ông mất ngày 22/11/1984, tại Hà Nội.

Mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi, ông nhớ rất ít về người cha của mình, một nhà nho “thà sống nghèo nhưng trong sạch”. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cha đã để lại trong tâm hồn ông một tình yêu quê hương sâu sắc. Và cảm nhận nghệ thuật của ông được ra đời từ những xóm chài xơ xác bên dòng sông Tân Giang, từ cuộc sống lam lũ của người dân ẩn ức trước số phận, từ các đẹp mộc mạc giản dị trong đời sống hàng ngày.

Khi lớn lên, trong 10 năm ông học chữ nho và nghệ thuật thư pháp tại quê nhà. Từ nhỏ ông đã thích vẽ và được một thầy vẽ dân gian chỉ bảo. Những ngày giáp tết ông vẽ tranh cho mẹ bán tranh Tết như: Tiến tài, Tiến lộc, Lý ngư vọng nguyệt để nuôi mẹ và hai em. Những năm tháng thơ ấu tuy vất vả, nhưng nó giúp cho ông có một vốn sống là tình cảm đối với người nông dân khi ông đưa hình ảnh của họ vào tác phẩm. Năm 20 tuổi, ông tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc học Huế và được giữ lại Huế dạy học ở trường tiểu học Đông Ba.

Từ năm 1925 - 1945 là thời kỳ ông sáng tác tranh lụa thể hiện cuộc sống bình dị của người nông dân ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt là những người phụ nữ nông dân và trẻ em, những con người chân chất, lam lũ nhưng luôn yêu cuộc sống.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông ngừng vẽ lụa mà dành nhiều thời gian để vẽ tranh cổ động, truyền đơn và tổ chức các phòng tranh tuyên truyền kháng chiến chống Pháp tại Hà Tĩnh và làm Ủy viên thường vụ Hội văn hóa cứu quốc Hà Tĩnh. Ông vẽ các tranh lãnh tụ như: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong…

Hội đồng giải thưởng Hồ Chí Minh đã nhận xét: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người mở đầu cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Tranh tranh lụa đầu tiên của họa sĩ triển lãm ở Pháp đã làm cho thế giới biết đến Hội họa Việt Nam. Tranh của ông chân thực, đậm đà bản sắc dân tộc – họa sĩ thể hiện trên tác phẩm tính cách thiết tha, sâu sắc với con người quê hương Việt Nam. Tác phẩm của ông được trưng bày trong nước và nhiều nước trên thế giới, được công chúng hâm mộ đánh giá cao. Có thể nói, Nguyễn Phan Chánh là người tiên phong kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp tạo hình kinh điển, phương Tây và truyền thông dân gian, tạo nên tranh lụa Việt Nam hiện đại./.