Trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sách giấy đang dần bị thay thế bởi các thiết bị điện tử thông minh. Nhằm mục đích giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đọc, góp phần giáo dục và đào tạo nhân cách cho thế hệ trẻ, nhiều trường học ở Quảng Ninh đã tạo dựng môi trường đọc sách thân thiện hay các hình thức giao lưu, tìm hiểu về sách tại các thư viện... thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với sách.

vov_32_jqwk.jpg
Mỗi lớp học thường có một tủ sách riêng do chính học sinh đóng góp và luân chuyển hàng tháng với thư viện trường.

“Em rất hay đọc sách ở trường, ngoài giờ học thì em ra thư viện tỉnh để tìm thêm những cuốn sách về lịch sử, về xã hội và về thiên nhiên”/ “Cảm thấy rất vui bởi vì chúng em được trau dồi kiến thức cùng nhau và chúng em cũng có thể trao đổi những cuốn sách cho nhau”, nhiều bạn học sinh cho biết.

Tại trường Tiểu học Hạ Long (Tp Hạ Long, Quảng Ninh), ngoài thư viện chung với gần 1.000 đầu sách được phân loại theo từng lứa tuổi và chủ đề, mỗi lớp học thường có một tủ sách riêng do chính các em học sinh đóng góp và luân chuyển hàng tháng với thư viện trường. Để tạo ra môi trường đọc sách thân thiện, học sinh còn được tham gia trang trí theo sở thích và trồng cây xanh cạnh những tủ sách của mỗi lớp.

Để tạo ra môi trường đọc sách thân thiện, học sinh sẽ tham gia trang trí theo sở thích và trồng cây xanh cạnh những tủ sách của mỗi lớp.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hạ Long cho biết: Nhà trường luôn ý thức và mong muốn đưa sách trở thành nhu cầu và là sự say mê của mỗi em học sinh.

 “Trong xu hướng của thời đại 4.0, thì các em từ nhỏ gần như đã có kỹ năng truy cập mạng internet rất là tốt. Tuy nhiên trên internet thì chúng ta không kiểm soát được các em đọc như thế nào. Chính vì vậy nhà trường tăng cường việc giới thiệu sách mới. Tới đây, thì nhà trường cũng tổ chức cấp trường cuộc thi hùng biện về “quyển sách em yêu” nhằm thu hút các em học sinh vào phong trào đọc sách”, cô Thủy nói.

Ngoài giờ lên lớp, rất nhiều học sinh dành thời gian đọc sách tại các thư viện.

Để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo như cải thiện, đầu tư cơ sở vật chất của thư viện trường học; nâng cấp, trang bị hệ thống thư viện điện tử và thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh sách. Không chỉ các thành phố lớn mà tại các khu vực miền núi, hải đảo... học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các ngành văn hóa và giáo dục - đào tạo hỗ trợ bằng nhiều hình thức để tiếp cận với sách.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đối với các em học sinh tại vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các bạn trẻ có thể đến với sách, ham đọc sách và tiếp cận tri thức của nhân loại thông qua sách. Chúng tôi cũng tăng cường luân chuyển sách báo xuống các thư viện ở vùng sâu vùng xa, các nhà văn hóa, thậm chí đến tận các bản làng xa xôi”.

Thành ngữ có câu “Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường”. Sẽ thật ý nghĩa nếu những mô hình tủ sách trường học, thư viện thân thiện và những cuộc giao lưu, tìm hiểu về sách cũng như các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc được triển khai đa dạng, thiết thực hơn chứ không chỉ dừng lại ở hô hào; để văn hóa đọc bén rễ và ăn sâu vào nhận thức của giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước./.