Ngày 8/10, buổi Tập huấn Quốc tế “Xây dựng Hồ sơ đề cử Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO” đã được diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Hà Nội với sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn, Bà Katherin Muller Marin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ông Phạm Cao Phong - Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, TS. Vũ Thị Minh Hương – Cục trưởng – Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam cùng toàn thể các giảng viên đến từ trong nước và nước ngoài.

“Ký ức thế giới” là những di sản tư liệu của nhân loại về các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa,… được tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc hình thành từ năm 1992, sẽ giữ lại, bảo quản các tư liệu thể hiện quá trình phát triển của tư tưởng, văn minh nhân loại thông qua các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu như kiến trúc, vật phẩm, sách, phim ảnh, bút tích,…

tuan.jpg
Ông Trần Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Nội Vụ

Qua điều tra khảo sát sơ bộ, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia còn lưu trữ lại khá nhiều nguồn tư liệu lịch sử quý giá có giá trị. Cụ thể như tài liệu cổ được viết trên lá Buông của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Sóc Trăng; Tài liệu, tư liệu quý thời kỳ phong kiến của các gia đình, dòng họ, cá nhân tại Huế; Tài liệu Châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945); Bộ sưu tập ảnh về Việt Nam và Đông Dương chụp trước năm 1950; Cung oán ngâm khúc hay Lời tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

Tuy nhiên, tính đến nay, Việt Nam đã có 3 tư liệu được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Đó là “Mộc bản triều Nguyễn” hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (năm 2009); “Bia đá các khoa thi Tiến sỹ triều Lê và Mạc” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Hà Nội (năm 2010) và gần đây nhất là “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang (năm 2012).

Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương (áo dài) trao quà cho các giảng viên đến từ nước ngoài

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng – Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam cho biết: “Việc quản lý thống nhất và giới thiệu các nguồn tư liệu quý, hiếm để trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Chúng ta cần chủ động triển khai các hoạt động của chương trình ký ức thế giới nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về chương trình cũng như đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản tài liệu”.

Đồng quan điểm đó, Ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ khẳng định: “Việc công nhận này chính là sự đánh giá, tôn vinh của thế giới đối với các tư liệu có giá trị của Việt Nam. Điều này cũng đặt ra với chúng ta một nhiệm vụ quan trọng là phải bảo quản an toàn và phát huy giá trị các Di sản tư liệu đó thật hiệu quả. Đồng thời tiếp tục phát hiện, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử các tư liệu quý hiếm đang lưu trữ tại các tổ chức lưu trữ, thư viện, bảo tàng và các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ”.

Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến cho thấy những hạn chế lớn của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ chính là việc các hồ sơ chưa nhấn mạnh, khai thác, nêu bật được các tiêu chí có tính chất đặc thù riêng của tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, cách làm của chúng ta còn manh mún, chưa có hội đồng để tập trung các nhà khoa học để cùng thống nhất và đưa ra quan điểm. Đó là điểm yếu mà Việt Nam gặp phải./.