"Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội 2016" diễn ra tại nhiều địa điểm của Thủ đô như chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, các tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Giấy và không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội.

Nhiều hoạt động vui Trung thu được tổ chức trong dịp này: trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trung thu truyền thống; hướng dẫn làm các loại đồ chơi dân gian như ông tiến sỹ, các loại đèn trung thu, cách làm tàu thủy, tò he, cách làm diều truyền thống…

trung_thu_vov_1__yzcf.jpg
Các em nhỏ chăm chú theo dõi múa rối cạn.

Tham gia hoạt động hướng dẫn các em thiếu nhi làm diều truyền thống, ông Nguyễn Hữu Kiêm, Câu lạc bộ Diều xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết: "Nhân Tết Trung thu này, chúng tôi cũng muốn đem cánh diều truyền thống ra dạy cho các cháu thiếu nhi biết làm diều và cách chơi diều.

 Đây là hoạt động rất là tốt để cho các cháu hiểu được ông cha ta ngày xưa chơi diều như thế nào và thú chơi này như thế nào mà nó tồn tại được đến ngày nay. Dạy cho các cháu thiếu nhi biết làm diều cũng là một cách để bảo tồn, gìn giữ và phát triển cánh diều truyền thống của mình".

Tại các điểm di tích lịch sử, di sản văn hóa của phố cổ Hà Nội như đình Kim Ngân số 42-44 Hàng Bạc, đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, ngôi nhà cổ số 87 Mã Mây cũng sẽ diễn ra các hoạt động Tết Trung thu như trưng bày ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”, sắp đặt không gian giới thiệu Tết Trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội và trưng bày ảnh về Tết Trung thu đầu thế kỷ 20 của Hà Nội; biểu diễn múa rối cạn Tế Tiêu và tổ chức biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng.

Hướng dẫn làm đèn ông sao cho các em nhỏ.
Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: "Tết Trung thu truyền thống là hoạt động văn hóa diễn ra hàng năm của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội. Trong đợt hoạt động văn hóa lần này, chúng tôi phối hợp với các nghệ nhân làng nghề, nhiếp ảnh gia, họa sỹ sắp đặt không gian truyền thống tại các điểm di tích mà Ban Quản lý phố cổ quản lý.

Thông qua hoạt động văn hóa này chúng tôi cũng hy vọng và mong muốn góp một phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và đồng thời đem đến cho các em nhỏ một sân chơi bổ ích để các em thiếu nhi có dịp tìm hiểu về ý nghĩa và được sống trong không khí của Tết Trung thu truyền thống".

Các hoạt động văn hóa vui Tết Trung thu phố cổ Hà Nội diễn ra đến hết ngày 15/9./.