Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh có đông đồng bào Chăm. Vì vậy, văn hóa Chăm trong cộng đồng ghi dấu ấn khá đậm nét, thể hiện qua trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm…. Lễ hội Katê 2020 diễn ra từ ngày 15 đến 17/10 là một sự kiện lớn được tổ chức hàng năm của đồng bào Chăm.
Những ngày này, không khí ở các làng Chăm thật rộn ràng, hân hoan. Bà con đang đón mừng Katê - lễ hội dân gian truyền thống của người Chăm; là dịp tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn, gia đình sum họp, con cháu sum vầy. Mọi người tất bật vệ sinh đường làng ngõ xóm, chuẩn bị làm bánh truyền thống dâng cúng tổ tiên… Đặc biệt, Lễ hội Katê tại các đền tháp ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã trở thành một sự kiện quan trọng của đồng bào Chăm, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm. Đây cũng là cơ hội để quảng bá văn hóa Chăm đến với du khách trong và ngoài nước.
Vui đón Katê năm nay, bà con cũng không quên thực hiện các quy định an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Các hoạt động lễ hội phải phải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ở thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) năm nay đón lễ hội Katê phấn khởi hơn mọi năm, bởi nhiều tuyến đường nông thôn đã được mở rộng và bê-tông hóa; cổng làng được làm mới; chợ, trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang…Ông La Văn Điểm, một người dân ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cho biết, từ nguồn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công trình hoàn thành đúng vào dịp đồng bào Chăm nơi đây vui đón Katê.
"Bà con vừa thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2020, chính từ chỗ đó chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch tổ chức mừng lễ hội Katê, làm cho phong trào của thôn năm nay khí thế hơn, phấn khởi hơn.", ông Điểm chia sẻ.
Năm nay, lần đầu tiên, bà con Chăm khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đón lễ hội Katê bằng tiết mục múa cộng đồng với sự tham gia của gần 100 người. Chị Đàng Thị Láng, ở khu phố Bàu Trúc cho biết, khi nghe địa phương phát động phong trào văn nghệ để chào đón Katê, ai cũng háo hức.
Người dân ở đây rất vui mừng khi công trình Trung tâm Văn hóa sinh hoạt cộng đồng Chăm được xây dựng xong và đưa vào hoạt động: "Người làng Bàu Trúc rất mừng, có nhà cộng đồng cho làng chúng tôi đẹp và khang trang. Chúng tôi sẽ diễn văn nghệ khi có khách đến tham quan ở đây. Bà con rất vui mừng khi giờ đây cảnh quan trong thôn, đường sá rất là đẹp."
Ông Trượng Văn Tận, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước bày tỏ niềm vui khi giờ đây vùng nông thôn ở các làng Chăm ngày càng sạch đẹp, khang trang: "Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến bà con Chăm nói chung, làng nghề Bàu Trúc và làng nghề Mỹ Nghiệp nói riêng theo tôi thấy rất tốt, quan tâm đến đời sống, an sinh xã hội, kể cả cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự."
Không khí phấn khởi đón Katê cũng lan toả khắp các làng Chăm ở Bình Thuận. Đã qua 60 mùa Katê, nhưng ông Thông Đạt ở thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vẫn thấy trong lòng hân hoan mỗi khi vào mùa lễ hội, vui nhất là cuộc sống của gia đình, của người Chăm không ngừng được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Riêng năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 cùng với nắng hạn kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, cùng sự nỗ lực của mỗi gia đình, bà con Chăm nơi đây đã từng bước vượt qua khó khăn. Với lòng tôn kính tổ tiên, các gia đình người Chăm đều chuẩn bị mâm cơm truyền thống để dâng tổ tiên, ông bà.
"Là người Chăm Ahier (Chăm theo đạo Bà-la-môn) từ trẻ nhỏ đến người già, ai cũng phấn khởi hồ hởi đón tết dân tộc mình. Dù trong điều kiện khó khăn về kinh tế do hạn hán, do dịch Covid-19, nhưng người Chăm luôn hướng về cội nguồn. Do vậy dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, bà con cũng vượt qua để hoàn thành hiếu đạo với tổ tiên.", ông Thông Đạt nói.
Hương sắc Katê theo bước chân của các bà, các chị vào tận các khu chợ. Chợ ngày thường vốn đã tấp nập người mua kẻ bán, nay đang vào mùa lễ hội Katê nên sức mua càng tăng cao. Theo Ban Quản lý chợ Phan Hiệp, chợ Phan Thanh (2 xã thuần Chăm của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), gần một tuần nay hàng hoá bán ra tại các khu chợ này tăng đột biến, nhất là các nhu yếu phẩm. Các lô bán áo, vải cũng hút hàng liên tục trong mấy ngày qua. Hầu hết các khu chợ này đều được xây dựng kiên cố và mới đưa vào hoạt động, rất tiện lợi cho người dân mua sắm. Tiểu thương Lâm Thị Minh Nhạn, bán tạp hoá trong chợ Phan Hiệp phấn khởi cho hay: vào mùa lễ hội Katê, hàng hoá bán chạy, nhất là các mặt hàng như: gạo nếp, đường, dầu ăn, trứng…, được nhiều bà con Chăm mua về chế biến các món ăn truyền thống: "Lễ hội Katê thường có những món như bánh đòn, Sakaya, bánh ken, bánh ít, bánh thuẫn, chuối, bánh gừng, còn nguyên liệu để làm có trứng, đường, các đồ gia vị, riêng bánh gừng phải làm cho khéo thì mới đẹp, mới ngon."
Đồng bào Chăm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có gần 130.000 nhân khấu. Riêng ở Ninh Thuận, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp 56 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sinh hoạt nông thôn tại vùng đồng bào Chăm; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 813 hộ nghèo vay vốn sản xuất, kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động người Chăm... Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 10/12 xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn vùng đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều chuyển biến tích cực trên lĩnh vực văn hoá, xã hội. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành cơ bản chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ trong đồng bào dân tộc Chăm. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường chiếm 98%. Cơ sở vật chất giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện đã có 3/4 xã thuần Chăm đạt chuẩn nông thôn mới./.