Ngày 9/10, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN đồng tổ chức tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long – Hà Nội” nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.
Phật giáo thời Lý có nhiều công trình mang tầm quốc gia chứa đựng ý nghĩa nhân văn và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết những công trình đó đều không còn. Mặc dù vậy, giá trị tinh thần, biểu tượng của các công trình Phật giáo thời Lý thì vẫn còn mãi.
Tại buổi tọa đàm, các Chư tôn đức GHPGVN, các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về giá trị vật thể và phi vật thể, không gian văn hóa, triết lý Phật giáo thời Lý; đồng thời đề xuất các cơ quan ban ngành Trung ương và Hà Nội về việc bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị di sản, góp phần xây dựng bản sắc văn hoá - kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Giá trị vật thể và phi vật thể của các di sản Phật giáo thời Lý
Theo PGS.TS Tống Trung Tín- Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXHVN, Phật giáo thời Lý tạo nên một quần thể chùa tháp dày đặc ở Thăng Long; tạo nên các công trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật dân tộc; tham gia trực tiếp vào việc củng cố sức mạnh đoàn kết quốc gia; tạo nên các sinh hoạt văn hóa vô cùng phong phú.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN nhấn mạnh: “Tự viện và nghi lễ Phật giáo không chỉ có giá trị đương thời mà những thành tựu đó đã và đang trở thành những di sản văn hóa quý giá, góp phần phát triển văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Thăng Long – Hà Nội nói riêng”.
Hoà thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN chia sẻ về mối nhân duyên giữa Phật giáo và vương triều Lý. Hòa thượng cũng đề xuất hệ thống lại các di sản thời Lý đã khảo cổ và đẩy mạnh làm rõ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của các chứng tích để có một chiến lược quốc gia trong việc quy hoạch, khôi phục các di sản vật thể và phi vật thể thời Lý.
Đề xuất phục dựng và phát huy giá trị các di sản Phật giáo thời Lý
Với mong muốn lan tỏa, tái hiện tinh thần Phật giáo thời Lý trong không gian văn hóa Thủ đô Hà Nội, Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch HĐTS, Tổng Thư ký GHPGVN đề xuất khôi phục lễ hội đèn Quảng Chiếu và xây dựng lại tháp Báo Thiên, một trong “An Nam tứ đại khí”, là biểu tượng niềm tin chiến thắng, tinh thần độc lập của thời Lý.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, lễ hội đèn Quảng Chiếu là một trong những lễ hội được các vua nhà Lý đứng ra tổ chức, là Quốc lễ cầu quốc thái dân an. Khôi phục lại lễ hội này cũng là gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, đồng thời tạo nên một không gian lễ hội đa sắc màu của Thủ đô, thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Năm 2016, GHPGVN đã đề xuất phục dựng tháp Báo Thiên, có thể ở cạnh Hồ Tây, mở ra một điểm đến mới của Hà Nội. Từ năm 2010, GHPGVN đã có đề xuất khôi phục lễ hội đèn Quảng Chiếu, để có một sản phẩm văn hóa thể hiện tầm vóc Thủ đô ngàn năm văn hiến, phù hợp với giá trị văn hóa hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Chu Văn Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo khẳng định: “Phật giáo thời Lý ảnh hưởng đến Thăng Long - Hà Nội đến tận bây giờ, rất nhiều di sản được lưu truyền, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần, tạo nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội”.
PGS.TS Chu Văn Tuấn cũng bày tỏ mong muốn tái hiện không gian văn hóa thời Lý nói chung, tái hiện các di sản Phật giáo thời Lý nói riêng tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến./.