Việt Nam là quốc gia đa dân tộc có rất nhiều lễ hội đặc sắc, nhưng đối với người Việt cổ ở châu thổ Đồng bằng Bắc bộ, Lễ hội Gióng có bề dày văn hóa xa xưa nhất và đặc biệt mang tính dân tộc và tính cộng đồng sâu rộng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, hiện, hồ sơ hội Gióng đã được đệ trình lên UNESCO để xem xét công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

“Ai ơi mùng chín tháng tư/Không đi Hội Gióng thì hư một đời”

Câu ca dao trên nói về Hội Gióng - một trong những lễ hội lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ. Hội Gióng được diễn ra từ mồng 6 - 12/4 âm lịch hàng năm tại xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội.

Đền Gióng được vua Lý Thái Tổ cho lập ngay từ khi dời đô ra Thăng Long (1010). Thánh Gióng hay gọi là Phù Đổng Thiên Vương (hay Xung Thiên Thần Vương), một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước.

Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, vào thời vua Hùng thứ 6 (năm 1718-1631 trước Công nguyên). Thánh Gióng là người "trời" đầu thai làm đứa trẻ, bởi tuy lên 3 tuổi mà ông không biết nói cười, đi đứng.

Nhưng khi giặc Ân tràn xuống xâm chiếm đất nước, Nhà vua sai sứ giả tìm người tài ra giúp nước. Khi sứ giả qua làng, ông bỗng cất tiêng nói nhờ mẹ gọi sứ giả của Nhà vua. Sau khi ăn hết những niêu cơm do dân làng mang tới, bỗng chốc vươn vai thành một thanh niên cường tráng đi đánh giặc. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông bay về trời. Nơi ông hóa chính là đỉnh núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tưởng nhớ công lao to lớn đó, nên nhân dân tôn thờ ông là “Thánh Gióng”” và cứ đến ngày 9/4 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng lại diễn ra tưng bừng ở nhiều nơi nhưng tâm điểm là ở 2 nơi: Làng Phù Đổng (Gia Lâm), tương truyền là nơi ông Gióng sinh ra và Phù Linh (Sóc Sơn), nơi ông Gióng bay về trời.

Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn, trong đó tiêu biểu nhất là diễn xướng dân gian, tái hiện lại trận đánh giặc Ân. Người được chọn đóng vai Ông Gióng phải là một người mẫu mực, con cháu thảo hiền và đó là niềm vinh dự lớn. Hội Gióng hàng năm thu hút hàng trăm ngàn người tham gia.

Theo PGS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, hình tượng Thánh Gióng sở dĩ có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân vì tính dân tộc được thể hiện rất rõ. Thánh Gióng nảy sinh ra từ hoàn cảnh lịch sử, từ vị trí địa lý của cư dân bản địa như vậy nên Thánh Gióng được người dân tôn vinh là biểu tượng cho chống giặc ngoại xâm. Bởi người Việt Nam từ cổ chí kim luôn phải thực hiện hai nhiệm vụ cao cả nhất, đó là dựng nước và giữ nước.

Do vậy, Thánh Gióng đã trở thành một biểu tượng cấp thiết và luôn thường trực đối với đất nước cho nên tính dân tộc thể hiện rất đậm trong hình tượng Thánh Gióng. Trên thế giới các dân tộc đều xây dựng cho dân tộc mình hình tượng người anh hùng. Ở phương Tây, hình tượng người tráng sĩ thể hiện qua các anh hùng ca và sử thi rất rõ. Nhưng người tráng sĩ ấy lại tự thân vận động, mang tính độc lập và khi đã lập nên chiến công rồi mới tiếp nhận được sự tôn vinh của cộng đồng. Nhưng đối với Thánh Gióng thì ngược lại. Thánh Gióng là hình ảnh gắn kết của cả cộng đồng.

Khi Gióng sinh ra là được cộng đồng xây đắp về thể xác, như góp cơm, gạo, quần áo cho Gióng mặc và khi Gióng nhận lời sứ giả để xin vua ra trận đánh giặc Ân thì người dân lại góp từng mẩu sắt để rèn roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt cho Gióng. Như thế đứng về thể xác, Gióng được sự tôn tạo của cộng đồng. Sau đó cộng đồng xây đắp về các chiến công và cuối cùng là tầm vóc của Gióng được hoàn thiện cũng là do cộng đồng vun đắp lên.

Như tất cả các làng quê khác, Lễ hội Gióng thường được khởi nguồn từ lễ rước nước. Đây cũng là nét đặc sắc của lễ hội Gióng bởi tính dân tộc của cư dân bản địa luôn gắn với nông nghiệp lúa nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Đấy là một lễ hội có từ lâu đời, tích hợp nhiều lớp văn hóa. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu càng ngày càng thấy rõ là cốt lõi ban đầu của hội Gióng chính là lễ hội nông nghiệp. Theo chúng tôi bắt đầu từ thời Lý, Trần trở đi, hội Gióng đã dần thay đổi và bây giờ nó đã trở thành một lễ hội sáng tạo ra biểu tượng của dân tộc đó là tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và ngày nay nói đến Thánh Gióng là nói đến vị anh hùng dân tộc”.

Còn đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài, Lễ hội Đền Gióng mang những “tính cách văn hoá” thật độc đáo. Tiến sỹ Geoffrey Wall, một chuyên gia nghiên cứu về lễ hội và du lịch người Mỹ nhận định: “Lễ hội Gióng thật độc đáo. Nó gợi lại truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam. Mọi người tham gia lễ hội rất đông vui. Nó thấm đậm hơi thở của lịch sử, ký ức, và đem lại những cảm xúc thật khác lạ”.

Theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Gióng có đầy đủ các yếu tố để đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng đã đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng Hội làng Việt Nam và chứa đựng những khát vọng nhân bản ngàn đời: Đất nước thái bình, cá nhân có trách nhiệm với quốc gia và gia đình, đây là những thông điệp lịch sử mà các thế hệ tiền nhân đã gửi gắm và đây thực sự là một lễ hội của hòa bình và an lạc./.