Triển lãm “Đến với Trường Sa” đã đem đến cho công chúng những cái nhìn thực tế - góc nhìn từ biển đảo, của những người trực tiếp đặt chân đến Trường Sa”. Đó là chia sẻ của các họa sĩ trong buổi tọa đàm nhân triển lãm mỹ thuật “Đến với Trường Sa” đang diễn ra tại Hà Nội, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Triển lãm này là kết quả hành trình đi thực tế của hơn 30 họa sĩ ở Trường Sa. Tại buổi tọa đàm, các họa sĩ đã chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm, cảm hứng sáng tạo khi được tiếp xúc với nhân dân và các chiến sĩ trên các đảo và Nhà giàn DK1.
Một tác phẩm đang được trưng bày tại triển lãm "Đến với Trường Sa"
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chủ yếu được sáng tác bằng bút pháp tả thực, ghi chép cụ thể cuộc sống, sinh hoạt của các chiến sĩ hải quân và nhân dân sống trên đảo. Tiêu biểu như tác phẩm “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” của họa sĩ Nguyễn Đăng Dũng, “Tổ Quốc xa bờ” của Nguyễn Phú Hậu, “Mưa trên đảo lớn” của Bùi Anh Hùng…
Với nhiều góc nhìn khác nhau, các tác phẩm đã thể hiện tinh thần vượt lên những khó khăn, điều kiện khắc nghiệt của quân và dân Trường Sa để ngày đêm bám biển, bám đảo, giữ gìn sự toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ: “Tôi thấy rất nhiều tình cảm trong tranh mà chỉ có những người đi Trường Sa mới biết được, kể cả một trận sóng lừng, bão táp ngoài biển khơi. Chẳng hạn, nơi các chiến sĩ ở là một nhà giàn, xung quanh là biển khơi, chỉ thấy sóng…làm cho người xem rất xúc động. Công chúng lâu nay dường như ít quan tâm đến nghệ thuật nhưng qua vấn đề thời sự, trực diện này, họ đã quan tâm nhiều hơn. Tôi cho rằng đó là một thành công lớn”.
Sau đợt trưng bày tại Hà Nội, từ ngày 24/7 - 5/8, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm cùng nhiều tranh cổ động, tranh biếm họa về biển đảo sẽ tiếp tục được trưng bày tại Hải Phòng./.