Sáng tạo là công việc tự thân. Thế nhưng trong kỉ nguyên công nghệ, mỗi người nghệ sĩ cũng phải tự kết nối, quảng bá để nhận biết những xu hướng, trào lưu sáng tác mới.
Họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông (Ảnh: Doisongvietnam) |
Họa sĩ Phạm Huy Thông tự ví hoạt động nghệ thuật cũng giống như “con nhện giăng mùng”, mạng lưới ấy càng ngày càng mở rộng. Trong thế giới nghệ thuật, nghệ sĩ vừa là đối tác, vừa là bạn bè, thậm chí có những người còn sưu tập tác phẩm của nhau. Ở nước ngoài, tinh thần làm việc kết nối thời công nghệ số-networking cũng như vậy. Họa sĩ Phạm Huy Thông đã có nhiều cảm xúc mới mẻ khi được mời dự 1 trại sáng tác quốc tế tại Thái Lan năm ngoái.
“Thường đi trại sáng tác các họa sĩ làm việc được rất nhiều. Và netwworking cũng rất vui vẻ vì không bị những cái chi phối trong đời sống thường nhật như ở nhà. Bản thân khi nhận lời mời đã có những điều khoản, họ tài trợ những gì, ví dụ ăn uống, ngủ nghỉ, các nguyên vật liệu và du lịch địa phương, mình sẽ để lại bao nhiêu tác phẩm, với các tác phẩm bán thì chia phần trăm như thế nào”, họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ.
Hoạt động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ bao giờ cũng mang tính cá nhân. Thế nhưng họ cũng rất cần môi trường để cập nhật những thông tin, giao lưu sáng tác. Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Tiến sĩ Phạm Long đã có thâm niên làm việc ở nước ngoài, tạo mối quan hệ với các galerry ở Châu Âu và kết nối đưa tranh của các họa sĩ Việt Nam đi triển lãm chia sẻ kinh nghiệm trong mỗi chuyến mang tranh Việt xuất ngoại.Theo kinh nghiệm của TS Phạm Long, họa sĩ cần trao đổi với nhà tổ chức. Ví dụ mình cũng phải tìm hiểu khi mang tranh ra nước ngoài thì cần những thủ tục gì. Phía bên kia, khi các họa sĩ sang thì cần những gì để đưa tác phẩm sang. Ở mỗi nước, thậm chí mỗi sự kiện lại có một cách tổ chức khác nhau.Để chuẩn bị cho một cuộc triển lãm ở nước ngoài, thời gian có thể tính đến hàng năm. TS Phạm Long cho biết, điều quan trọng là với mỗi chuyến đi là phải hướng đến việc phát triển sự nghiệp cho nghệ sĩ và đáp ứng yêu cầu của nhà tổ chức: “Triển lãm hoặc giao lưu thì mình phải gạt đi sở thích cá nhân, phải hướng đến việc phát triển cho cá nhân nghệ sĩ, với những điều độc đáo để thúc đẩy hình ảnh cho họ chứ không phải đi làm triển lãm để tuyên truyền tên tuổi của giám tuyển. Thứ hai là phải biết được từng triển lãm sẽ có những đặc thù để biết nghệ sĩ nào phù hợp với sự kiện nào”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Ảnh: TTVH) |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: kết nối, giao lưu giữa các nghệ sĩ quốc tế vào Việt Nam chưa nhiều nhưng chúng ta cũng đang nới rộng không gian để có thể đón chào các nghệ sĩ. Trong xu thế hội nhập, các nghệ sĩ trong nước cũng đang có những lộ trình ra thế giới và đó vẫn là con đường cá nhân. Các tổ chức nghề nghiệp chưa duy trì được mối quan hệ lâu dài và thường xuyên với hội nghề nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Có lẽ xu thế trong những thập kỉ tới, bản thân các hội nghề nghiệp, đặc biệt là giới văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cần lộ trình mới để gần hơn với thế giới bên ngoài. Quan trọng vẫn là yếu tố con người, là nghệ sĩ. Họ sẽ quyết định số phận nghệ thuật của họ. Họ đang tự thay đổi và chính điều này cũng làm cho khung cảnh chung phải thay đổi theo”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.Các họa sĩ thế hệ 8x, 9x là những người đang được kì vọng rất nhiều để cất lên tiếng nói mới cho nghệ thuật nước nhà. Càng bước rộng ra thế giới, nghệ sĩ càng nhận được nhiều và cần lắm sự chuẩn bị về trình độ cũng như kiến thức văn hóa để cất lên tiếng nói riêng của mình./.