Họa sĩ Cao Trọng Thiềm sinh năm 1942, quê ở xã Thanh Phong, Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1963, ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó được phân công về làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đang diễn ra ác liệt. Ông đi khắp các tỉnh thành, lấy tư liệu viết tin, ảnh, bài và chính thực tế làm báo ấy cho ông nhiều trải nghiệm, cảm xúc cho các sang tác hội họa.

cao_trong_thiem_hoa_si_nlra.jpg
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm.

Họa sĩ Cao Trọng Thiềm sáng tác bức tranh khắc gỗ màu “Qua phà đêm” ở nơi sơ tán, giữa lúc cuộc chiến tranh ác liệt. Đó là hình tượng đẹp về những chuyến phà chở đoàn quân ra trận thật hào hùng và lãng mạn. Tranh có bối cảnh ước lệ với lối tạo hình khỏe, cô đọng, những mảng màu lớn, giản dị, không sử dụng nét lớn như tranh gỗ truyền thống mà họa sĩ sử dụng nét mảnh, tinh tế tạo độ đậm nhạt cho hình tượng.

“Đây là dấu ấn của bến phà Lạc Quần. Bức tranh này khi được giới thiệu trên báo chí thì các bạn tôi, những người đang chiến đấu ở Trường Sơn thấy nó ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì mới biết tôi còn sống. Từ khi xuất hiện nó được giới thiệu trong nước và nước ngoài mạnh mẽ”, họa sĩ Cao Trọng Thiềm chia sẻ.

Nghệ thuật của ông nổi trội ở mảng tranh khắc. Các tác phẩm của ông như Cầu phao, Vào ca, Bộ đội vào bản đã khẳng định bản sắc dấu ấn rõ nét của ông. Theo hoa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam, đề tài trong tranh của họa sĩ Cao Trọng Thiềm rất phong phú, ông chú trọng vào việc diễn tả khối, cách vờn khối kiểu tranh Hàng Trống song vẫn mang hơi hướng của tranh khắc gỗ hiện đại: “ Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, tôi đã rất nhớ bức Qua phà đêm, một bức rất đẹp và rất riêng trong khi nghệ thuật đồ họa lúc ấy vẫn theo hơi hướng học tập tranh Đông Hồ…”.

Không những vậy, hội họa của Cao Trọng Thiềm còn sáng tác về những khoảng lặng mộng mơ như vùng sơn cước, hay những vùng biển êm ru, những con kênh, rừng đước xanh mướt, những thiếu nữ cao nguyên, thiếu nữ Kinh Bắc duyên dáng. Các sáng tác của ông có sự dịch chuyển về cách nhìn, ngôn ngữ tạo hình và bút pháp thể hiện. Với tranh lụa, là sự tiết giảm sự no căng về bề mặt, tạo nhiều tầng lớp thẳm sâu. Điểm mạnh trong tranh lụa của ông là sự kết hợp giữa kỹ thuật, tạo sự trong trẻo của chất liệu lụa với tinh thần thanh thản, tĩnh tâm còn tranh sơn mài lại có sự chuyển biến so với nhiều năm trước.

Bức "Bộ đội về làng".

“Tranh sơn mài với nhiều đề tài hành quân, biển, biên giới, đặc biệt anh hay dùng màu xanh lá cây, xanh lam, bên cạnh màu truyền thống như đỏ, vỏ trứng, bạc.. Anh làm rất kỹ và bàn bản, đó là cách tôi rất nhớ về tác phẩm của anh Thiềm”, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Năm 2013, họa sỹ Cao Trọng Thiềm thôi làm công tác quản lý tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có thời gian, ông dành trọn thời gian cho hội họa. Quan niệm đổi mới trong sáng tác nhưng không làm mất đi cái tôi cá nhân thể hiện trong Pha đin, mùa hoa nở, từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Khi về nghỉ hưu, có nhiều thời gian chiêm nghiệm cuộc sống, các sáng tác của ông đề cập đến đời thường, cảnh vật, chuyển biến trong xã hội hiện nay.

Ông tâm niệm, hội họa là lẽ sống của đời ông và ông vẽ như là sống: “Mình đã theo đuổi nghệ thuật đam mê tạo hình từ khi mới lớn lên, do hoàn cảnh xã hội phải chuyển đổi để làm các công việc thích ứng. Nhưng trong mình, mình vẫn thôi thúc trở về với niềm yêu thích Nếu cầm bút được, mắt nhìn được thì vẫn thể hiện trên các chất liệu mình đã từng làm”.

Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, tận tụy với bất cứ công việc mình gánh vác và hết long với bất cứ ai, như một duyên nợ và phẩm cách bẩm sinh, nghệ thuật của họa sĩ Cao Trọng Thiềm tự có con đường, có mối duyên riêng, thật khiêm nhường về khắc gỗ, lụa và sơn mài truyền thống của người Việt./.