Trong 2 ngày (4 và 5/9), tại tất cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đều tổ chức lễ giỗ tổ sân khấu (nay là Ngày sân khấu Việt Nam 12/8 âm lịch).

Nghi lễ giỗ tổ sân khấu được tổ chức trang nghiêm trước bàn thờ tổ nghề biểu diễn, đặc biệt là tại các đoàn nghệ thuật sân khấu cải lương. Lớp nghệ sĩ trưởng thành từ các đoàn địa phương như Hương Tràm (Cà Mau), Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Tây Đô (Cần Thơ) tập trung về đông đủ để thành kính thắp nén nhang nhớ ơn tổ nghiệp, nhớ ơn thế hệ đi trước đã truyền nghề cho lớp trẻ hôm nay.

Ngày giỗ tổ sân khấu cũng là dịp để các đoàn tổng kết hoạt động, khen thưởng thành tích biểu diễn, tham gia hội thi tranh giải trong năm, đồng thời kết nối tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề giữa các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối.

gio_to_doan_td1_llse.jpg 

Lễ giỗ tổ sân khấu 2014 tại đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ)

Tại hậu cứ của đoàn cải lương Tây Đô, tối hôm qua và sáng nay thu hút đông đảo người làm công tác nghệ thuật biểu diễn về tri ân tổ nghiệp.

Ông Hồng Quốc Khánh – Giám đốc Nhà hát Tây Đô – đơn vị chủ quản của 2 đoàn nghệ thuật: ca múa nhạc Lưu Hữu Phước và cải lương Tây Đô cho biết: “Tất cả các văn nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ cải lương đều gom về đây, rồi ai có gì cúng nấy. Đó giống như một lễ hội, vừa mang tính thiêng liêng nhớ về cội nguồn, về ông tổ sân khấu, chủ yếu là vinh danh các nghệ sĩ đạt huy chương mà đặc biệt là vinh danh khán giả vì có khán giả mới có nghệ sĩ.

Ngày hội này, anh em nghệ sĩ tập trung rất là đông, thậm chí có một số nghệ sĩ vãng lai cũng tập trung về đây chung vui, thắp nén nhang hướng về tổ, hướng về sân khấu để mong rằng sân khấu sẽ phát triển tốt hơn, bản thân người đó, giọng ca hay hơn, cống hiến nhiều hơn cho khán giả./.