Nhân dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), sáng nay Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức giao lưu chủ đề “Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng”.

Tại buổi giao lưu, các diễn giả cho rằng: cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Riêng văn học, hình tượng Bác Hồ để lại dấu ấn đậm nét trong  tiểu thuyết “Búp sen xanh” và  “Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng);  tiểu thuyết “Cha và con” của Hồ Phương, “Hồ Chí Minh- tên Người là cả một niềm thơ” (thơ- Nhiều tác giả), “Theo chân Bác” (thơ- Tố Hữu)…

bac_ho_3_jhwr.jpgGiao lưu “Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng” .
Các diễn giả cho rằng: đến nay, đề tài Bác Hồ vẫn được rất nhiều tác giả khai thác. Đặc biệt, với những tác phẩm viết cho thiếu nhi, sự thể hiện hình ảnh Bác Hồ luôn đảm bảo tính dung dị, gần gũi với tâm hồn trẻ thơ. Ví dụ: tập thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu kết hợp với tranh minh họa của họa sĩ Văn Thơ đã góp phần tôn vinh giá trị tác phẩm, giúp bạn đọc nhỏ tuổi hình dung được những dấu ấn trong suốt cuộc đời đầy thử thách, gian lao của Người.

Chia sẻ về quá trình vẽ minh họa cho tập thơ “Theo chân Bác”, họa sĩ Văn Thơ cho biết: “Mình phải truyền cảm được nghệ thuật đó cho các em, nhất là khi đầu óc, thẩm mỹ còn đang hình thành. Mình đưa đến thẩm mỹ đẹp sẽ gây được ấn tượng. Mình là người vẽ minh họa nên những gì gợi nên hình ảnh cần để cho các em lưu lại và bản thân mình có thể thể hiện bằng chất liệu minh họa đẹp thì mình sẽ chọn. Tất nhiên là mình phải chọn, bố trí như thế nào cho đều, từ trang đầu đến trang cuối để tạo bố cục đẹp cho cuốn sách”.

Rất nhiều tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ được NXB Kim Đồng ấn hành trong hơn 50 năm qua.
Bên cạnh đó, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì với những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi cần có sự chọn lọc. Tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ cần khai thác nhiều hơn ở khía cạnh tâm hồn, tính nhân văn trong tư tưởng và cuộc đời của Người./.