Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm thực hiện tại Paris năm 1946, nhân dịp Người sang Pháp dự Hội nghị lịch sử Fontainebleau được giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện được phong thái của vị lãnh tụ kính yêu trong thời điểm vận nước hết sức khó khăn, đồng thời còn góp phần minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước của họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm cũng như của tấm lòng của hàng triệu kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

Từ chàng sinh viên mỹ thuật tài hoa với bức phù điêu đẹp nhất Việt Nam

Ngược thời gian, ít ai biết được rằng họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm những năm tháng còn học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Indochina Fine Arts College khóa 1926-1931) từng là một học trò "cưng" của hiệu trưởng đầu tiên Victor Tardieu. Ông là sinh viên khóa 2 của trường, nhưng là khóa đầu tiên và là sinh viên duy nhất học về điêu khắc, đồng thời là một trong những thế hệ họa sĩ tài danh đầu tiên của nước nhà chỉ sau các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Tam, Mai Trung Thứ, Lê An Phan và George Khánh.

hoa_si_qybe.jpg
Họa sĩ - Nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm. 

Cũng bởi mối lương duyên với thầy hiệu trưởng Victor Tardieu, năm 1926 khi nhập trường, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm theo học cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ hai ông chuyển hẳn sang điêu khắc khi được thầy Victor Tardieu phát hiện về tài năng về điêu khắc và hướng hẳn ông sang học ngành này.

Năm 1931, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm hoàn thành tốt nghiệp khóa học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc bằng bài thi do chính thầy hiệu trưởng Victor Tardieu ra đề là thực hiện đắp một bức phù điêu khổ lớn hoành tráng bằng chất liệu xi-măng đặc tả cảnh lao động sản xuất của người Việt những năm đầu thế kỷ 20 chạy dọc hết phần diện tích bức tường giảng đường chính của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Sau khi hoàn thành, bức phù điêu của ông đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc của ngôi trường có bề dày lịch sử, được nhiều thế hệ họa sĩ tài danh và các nhà nghiên cứu mĩ thuật đánh giá là bức phù điêu khổ lớn hoành tráng và đẹp nhất Việt Nam, đồng thời có giá trị biểu trưng về sức lao động sáng tạo nghệ thuật đối với nhiều thế hệ sinh viên mỹ thuật.

Với bài thi tốt nghiệp này, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm đã được nhận học bổng sang Pháp du học để nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật, rồi trở thành họa sĩ Việt Nam duy nhất có vinh dự được gặp và nặn tượng Bác Hồ ở Paris.

Người duy nhất nặn tượng Bác Hồ ở nước ngoài

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp trên cương vị là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cùng đi với Người còn có phái đoàn của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn sang dự Hội nghị Fontainebleau. Trên đường đi, Người dừng chân ở Biarit 10 ngày để chờ thành lập Chính phủ mới ở Pháp.

Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân bay và lễ đón Người được Chính phủ Cộng hòa Pháp tổ chức với nghi lễ trọng thể. Tại Pháp, Người đã đón tiếp rất nhiều vị khách quý, đại biểu các tổ chức đoàn thể, đông đảo kiều bào yêu nước và đi thăm một số nơi ở Thủ đô Paris.

Vợ chồng họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm cùng các con tại Pháp.

Trong không khí hân hoan của kiều bào mừng rỡ đón Bác ở Paris, với lòng kính trọng và ngưỡng mộ, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm đã đến khách sạn Roayan Mông-xô xin phép được chụp ảnh và nặn tượng Người và đã được Người đồng ý.

Bằng tài năng nghệ thuật của mình, cùng với lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu, ngay trong thời gian Bác Hồ lưu lại trên đất Pháp, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm đã khắc hoạ và thể hiện thành công hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu thạch cao. Có thể nói bằng những đường nét giản đơn, nhưng bức tượng đã được người nghệ sĩ khắc họa chân thực chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vào những ngày đấu tranh gian khổ giữ gìn nền độc lập non trẻ của Tổ quốc. Ngay khi đó, để thưởng công cho nhà điêu khắc, Bác Hồ đã tặng cho ông một tấm huy hiệu Hồ Chí Minh có ghi chữ ký của Người (hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do gia đình tặng bảo tàng năm 1986).

Tuy nhiên, để lưu giữ được bức tượng quý giá này trên đất Pháp suốt thời kỳ Kháng chiến 9 năm (1945-1954) ông và gia đình đã gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Do bị tố giác nên nhà ông thường xuyên bị khám xét, vì vậy, ông đã phải nhờ rất nhiều người thân tín giúp đỡ cất giấu được bức tượng một cách an toàn.

Năm 1950, gia đình ông liên tục bị khám xét nên để bảo toàn bức tượng ông đã nhờ gia đình một nông dân Pháp ở thành phố Beziers gần biển Địa Trung Hải thuộc tỉnh Hérault, miền Nam nước Pháp cất giấu. Cũng vì vậy mà gia đình ông đã phải di chuyển thay đổi chỗ ở liên tục trên đất Pháp, cuối cùng chuyển đến 43 Rue Grande Sain Paul Devence 06570, Alpes Mavitiaires, France là nơi gia đình ở cho đến nay.

Bức tượng chân dung Bác Hồ tại Pháp. 

Đến năm 1967, ông và gia đình mới có điều kiện trở lại Béziers và thật may mắn đã tìm lại được bức tượng thạch cao chân dung Bác Hồ còn nguyên vẹn vẫn được giấu trong nhà kho của gia đình người nông dân tốt bụng đó.

Năm 1996, để lưu giữ lâu dài và bền vững bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạ sĩ Yannick Jakober, con gái của nhà điêu khắc đã tìm được một nghệ nhân giỏi ở Tây Ban Nha để chuyển thể tượng từ bản gốc bằng chất liệu thạch cao sang chất liệu đồng. Và bức tượng đồng màu đen, với phần tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 45,7cm và bệ đá cao 11,8cm, có tổng chiều cao là 57,5cm đã được người nghệ sĩ tài hoa chuyển thể sang chất liệu mới thành công với niềm vui khôn tả của họa sĩ.

Thể theo nguyện vọng của ông và gia đình muốn hiến tặng cho quê hương, ngày 20/5/1998, bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng đã được đưa về đến Hà Nội bằng đường hàng không, nhân Kỷ niệm lần thứ 108 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 3/6/1998, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bộ Ngoại giao, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức trang trọng Lễ tiếp nhận tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ đại diện của gia đình họa sĩ trao tặng.

Việc tiếp nhận tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng mang tên Người là món quà vô giá đối với họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm và gia đình. Bởi đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác về đề tài Bác Hồ, nhưng họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm được coi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, thể hiện được phong thái của vị lãnh tụ kính yêu trong thời điểm vận nước hết sức khó khăn, mà còn góp phần minh chứng cho tình yêu đất nước, quê hương Việt Nam của họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm cũng như của tấm lòng của hàng triệu kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc./.   

Họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm (1908-2000) được sinh ra trong một gia đình trí thức giàu truyền thống cách mạng, có anh trai là bác sĩ Vũ Đình Tụng - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh và em trai là dược sĩ Vũ Công Thuyết - nguyên Thứ trưởng Bộ y tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm là sinh viên khoá II, nhưng là khóa điêu khắc đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Indochina Fine Arts College khóa 1926-1931), sau khi tốt nghiệp ông sang Pháp du học để nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình. Các tác phẩm của họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm được sáng tác với lối kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật truyền thống phương Đông và hội họa phương Tây nên góp phần nâng cao vị thế của nền mỹ thuật Việt Nam với bạn bè quốc tế.