Sáng 20/5, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ VHTT&DL Hà Nội) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Góp ý tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Quy hoạch còn nặng về xây dựng cơ bản mà chưa thật chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực cũng như những đầu tư cho chất lượng nghệ thuật biểu diễn.
Theo Quy hoạch tổng thể, phát triển nghệ thuật biểu diễn từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ xây mới và nâng cấp 71 nhà hát, trong đó xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000- 3.000 ghế, 40 nhà hát có quy mô từ 1.000- 2.000 ghế, nâng cấp và cải tạo 20 nhà hát đã bị xuống cấp… với tổng kinh phí là gần 7.000 tỉ đồng.
20 nhà hát sẽ được nâng cấp và cải tạo, nằm trong tổng thể Quy hoạch, với tổng kinh phí gần 7.000 tỉ đồng |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 6 năm mà xây mới hơn 50 nhà hát là việc làm không khả thi. Việc xây mới các nhà hát tràn lan mà không dựa vào nhu cầu thực tế của từng địa phương sẽ dẫn đến lãng phí lớn. Ví dụ, tại Hà Nội, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành phố đã đầu tư nâng cấp và xây mới rạp Công nhân, rạp Đại Nam, rạp Kim Đồng… nhưng đến nay các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở đây vẫn còn "èo uột”, nhiều nơi trở thành địa điểm tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị, hội thảo...
Trong khi đó, theo Quy hoạch đến năm 2020, Hà Nội sẽ được đầu tư xây mới thêm một Trung tâm biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn, nâng cấp và cải tạo hàng loạt các nhà hát trên địa bàn. Ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Khi nói đến quy hoạch thì phải nhìn đến tổng thể tỉnh, địa phương ấy. Nói về Thủ đô Hà Nội, cần phải nắm chắc luật Thủ đô trong sự tổng thể và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho quy hoạch phát triển Thủ đô, trong đó đã có việc xây dựng rạp hát và rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, phải quy hoạch rõ nhà hát nào của thành phố, nhà hát nào của quận, huyện”.
Cùng quan điểm với Lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội, nhiều đại biểu cũng cho rằng Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 còn nặng về xây dựng cơ bản, chưa chú trọng đến đầu tư chất lượng nghệ thuật cũng như đào tạo nguồn nghệ sĩ, quản lý trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo Quy hoạch đến năm 2020, nhà nước sẽ đầu tư 7.000 tỉ đồng cho việc xây mới và nâng cấp các nhà hát, nhưng chỉ có 31 tỷ đồng cho xây dựng các tác phẩm mới. Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, chỉ có 15 tác phẩm mới được dàn dựng và biểu diễn trong cả nước.
Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 được cho là còn chưa chú trọng đến đầu tư chất lượng nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ |
Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam theo định hướng dân tộc, hiện đại dựa trên các tiềm năng phát triển của vùng và cả nước; từng bước xây dựng nghệ thuật biểu diễn nước ta trở thành nền nghệ thuật biểu diễn mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch được xem là đòn bẩy để phát triển nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới. Hơn 20 ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp thu và chỉnh sửa trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.