Có được vụ lúa, hoa màu bội thu, đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào tiếp tục nâng lên, ai ai cũng phấn khởi, háo hức đón Tết cổ truyền dân tộc mình.

Về tỉnh Trà Vinh, một tỉnh có hơn 30% đông đồng bào Khmer, đi đến đâu cũng thấy không khí rộn ràng của bà con Khmer sửa sang lại nhà cửa tươm tất để chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây.

cho1_vov_yrtu.jpg
Chơi trò chơi dân gian trong chùa dịp Tết Chôl Chnăm Thmây.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá đầy đủ tiện nghi, bà Thạch Thị Xiếc ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết, trước đây người dân ở vùng sâu này đi lại rất khó khăn, chủ yếu đi trên bờ ruộng mới đến được lộ lớn.

Nay xe gắn đến tận rẫy, hàng hóa vận chuyển dễ dàng. Hiện nay ở vùng này chỉ vài công ruộng cũng có thể khấm khá. Nếu trồng màu cứ 2 tháng, 2 tháng rưỡi thu nhập cả chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Còn ai có điều kiện hơn thì đầu tư trồng cam, trồng thanh long thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay ai cũng phấn khởi.

Nồi bánh tét cho ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.

“Ở đây bây giờ nhà nào cũng có điện, có đường đi thông suốt, còn trước đây chủ yếu thắp đèn dầu. Còn những hộ khó khăn đều được nhà nước hỗ trợ, bây giờ cũng khá hết rồi. Kinh tế khá giả mình tết chôl chnăm mình đi chùa thoại mái hơn. Còn như trước, tết đến cũng lo, không biết thức ăn, tiền bạc đâu để lễ chùa, làm mâm cơm cúng ông bà, bây giờ không còn lo nữa”, bà Thạch Thị Xiếc phấn khởi nói.

Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây dường như đến với bà con Khmer ở Trà Vinh sớm hơn cả tuần lễ. Cách đây vài ngày, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức buổi họp mặt thân mật các cán bộ Khmer chủ chốt; đồng thời các huyện, các xã có đông đồng Khmer đều có buổi họp mặt tương tự.

Thiếu nữ Khmer đi chùa.

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà chúc mừng các chùa Khmer và hàng trăm hộ chính sách tiểu biểu trên địa bàn. Còn các điểm chùa, các phum sóc đều tổ chức các trò chơi dân gian, như kéo co, bóng chuyền và múa rom vong... vui tết. Không khí đón tết đang tràn ngập phum sóc đồng Khmer là vì đời sống được nâng lên.

Năm qua, tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh đạt hơn 12%, cao nhất khu vực, theo đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 4,76%. Đặc biệt Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay lúa được cả mùa lẫn giá, trong khi khu vực chuyển đổi cây trồng cũng mang lại hiệu quả rất cao.

“Tất cả các mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào đều có những thay đổi, chuyển biến tích cực. Nhất là vùng nông thôn điện, đường, trường, trạm tương đối toàn diện. Về mặt văn hóa các chùa cũng như các phum, sóc đồng bào Khmer có nếp sống mới, theo hướng văn hóa. Nói tóm lại là đồng bào Khmer có chuyển biến rất tích cực so với trước đây”, Thượng tọa Thạch Oai, Phó chủ tịch hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết.

Đồng bào Khmer đi chùa dâng cơm cho nhà sư nhân ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.

Còn ở tỉnh Sóc Trăng, đồng bào Khmer cũng có nhiều niềm vui không kém, năm ngoái toàn tỉnh có hơn 11.000 hộ thoát nghèo; trong đó có hơn 5.000 hộ là dân tộc Khmer. Diện mạo vùng đồng bào Khmer ngày càng đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; trình độ dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy…

Điều đó được thể hiện qua những ngày chuẩn bị Chôl Chnăm Thmây, phum, sóc của đồng bào Khmer rộn ràng trong không khí đón năm mới. Bên cạnh những tiếng nhạc ngũ âm truyền thống là các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao sôi nổi.

Tại chùa Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, những ngày này, cứ đến chiều tối là những điệu múa rom-vong, sa-ra-vanh vang lên ngập tràn phum sóc. Hàng chục thanh thiếu niên nam nữ cùng nhau  tụ tập về chùa say sưa múa hát những điệu múa truyền thống của dân tộc.

Ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, Chôl Chăm Thmây là tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Do đó, công tác chăm lo, hỗ trợ bà con đón tết luôn được tỉnh quan tâm chuẩn bị, phối hợp thật tốt để đảm bảo tất cả đồng bào đều đón Chôl Chnăm Thmây vui tươi, tạo động lực cho bà con lao động, sản xuất hiệu quả hơn trong nm mới.

Qua đó tiếp tục nâng cao hơn nữa niềm tin trong đồng bào với Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hiệu quả hơn việc thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Ngoài ra, tỉnh quan tâm hỗ trợ các địa phương, chùa Khmer tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian nhằm tạo không khí vui tươi, tái hiện nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Khmer.

“Nhờ đời sống ngày càng phát triển và tiến bộ, việc đón Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer của tỉnh trong niềm vui phấn khởi hơn nhiều. Trong vai trò là cơ quan Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi cũng đã tổ chức hoạt động đón Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của bà con Khmer đa dạng và phong phú như là họp mặt cán bộ, chức sắc tôn giáo, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách… chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động thăm hỏi sư sãi, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, tất cả các chùa ở các địa phương”, ông Lý Bình Cang nói.

Một mùa Chôl Chnăm Thmây nữa lại về, mỗi gia đình đồng bào Khmer Nam bộ lại có được niềm vui mới – nềm vui được mùa và quê hương đổi mới, sung túc.

Giờ đây bà con không còn lo cái đói, phải làm thuê xa xứ mà có thể thi nhau lao động sản xuất, làm giàu ngay tại quê nhà và đón Tết cổ truyền sum vầy, đầm ấm hơn./.