Cũng như nhiều dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu Quảng Nam từ lâu đã chọn cho mình trang phục rất riêng. Những năm tháng khó khăn, sắn không đủ ăn, áo không đủ mặc, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã sáng tạo ra cách làm trang phục bằng vỏ cây.
Chính bộ đồ bằng vỏ cây này không chỉ giúp đồng bào vùng cao chống được giá rét mà còn thích nghi với một số hoạt động như khi đi khai thác song mây, phát rẫy, cắt lá lợp nhà và đặc biệt là trong khi đi săn bắt ở rừng sâu.
Để làm được bộ đồ vỏ cây phải mất cả tháng trời. |
Hằng năm, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, chim rừng hót vang trên đại ngàn, cũng là lúc người dân bước vào mùa lúa rẫy và đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam tiến hành nghi ễ tạ ơn rừng.
Trong ngày lễ tạ ơn rừng, thiếu nữ Cơ Tu khoác lên mình bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của vải thổ cẩm, giống như những đóa hoa rừng khoe sắc giữa núi rừng. Còn các già làng mặc trang phục bằng vỏ cây là cách để gợi nhớ tập quán ăn mặc một thời của đồng bào sống dọc dãy Trường sơn. Trang phục này đã đi theo họ suốt mấy mùa rẫy, và đây cũng là cách để nhắc nhớ một thời gian khổ, nhắc nhớ thế hệ trẻ luôn giữ rừng.
Chuẩn bị lễ tạ ơn rừng, già làng C’lâu Blao (75 tuổi), ở làng Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cùng các vị già làng ở các xã Axan, Bhalêê, Gary, Ch’ơm, Dang… thay đổi y phục, sẵn sàng cho nghi lễ.
Già làng C'lâu Blao mang bộ đồ vỏ cây đến dự lễ. |
Đây là lễ lớn diễn ra vào mùa xuân, là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi cao Tây Giang. Lễ tạ ơn rừng mang ý nghĩa tạ ơn Giàng, rừng, núi, sông, suối đã che chở cho cuộc sống của buôn làng và gia đình, cho cây cối, hoa màu đâm chồi nảy lộc, mùa màng bội thu. Trang phục mà già làng C’lâu Blao mang theo là bộ đồ vỏ cây được ông gìn giữ cẩn thận, còn thơm mùi nhựa cây. Chiếc áo quý hiếm này xuất hiện khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú.
Già làng C’lâu Blao kể, ngày ấy đồng bào Cơ Tu ở đây rất nghèo, không có đường sá để giao thương với bên ngoài nên vải để may quần áo rất hiếm. Việc dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào cũng gặp khó khăn, người dân đa số không có đồ mặc và vỏ cây là một nguyên liệu để người dân khai thác làm quần áo.
Già Làng C’lâu Blao cho biết: " không phải cây nào cũng có thể lấy được vỏ. Phải chọn cây đẹp, thứ 2 nữa là ít gai mới làm được, nếu không nó bị rách, bị hư. Ngày xưa người dân chúng tôi thường phải mặc những chiếc áo bằng vỏ cây như này. Giờ trong lễ tạ ơn rừng, mặc lại đồ này là để nhớ lại truyền thống ngày xưa. Nhớ cái cực, cái khổ một thời".
Già làng C'lâu Blao và già làng C'ro Tám mặc đồ vỏ cây biểu diễn nhạc cụ dân tộc. |
Cùng với người em rể của mình, già làng K’ro Tám cũng lấy ra 2 chiếc áo làm bằng vỏ cây, màu hổ phách mặc vào. Ông K’ro Tám cùng với các vị già làng ở huyện miền núi cao Tây Giang thành kính dâng hương và lễ vật để dâng lên thần linh, thần rừng đã chở che cho các thế hệ đồng bào Cơ Tu sinh sống yên bình trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Già làng K’ro Tám nhớ lại thời còn trẻ, ông từng băng rừng lội suối tìm một số cây vỏ dày, có nhiều nhựa. Tìm được vỏ cây rừng ưng ý, già làng K’ro Tám dùng chiếc chày mang theo đập vào vỏ cây từ ngọn trở xuống để vỏ cây mềm, bong ra từ từ. Lột lớp vỏ cây mang về, già làng K’ro Tám đem nướng cho dẻo, sau đó lột lớp da bên ngoài vỏ, còn lại lớp da mỏng bên trong. Lớp vỏ cây mỏng này tiếp tục được các già làng dùng chày gỗ đập cho mỏng và tơi ra rồi khâu lại theo mẫu hợp với thân hình của mình. Già làng K’ro Tám bảo rằng, để làm được cái áo bằng vỏ cây cũng mất nhiều công lắm. Sau khi khi xử lý căn bản thì vỏ cây mang về nhà tiếp tục ngâm trong nồi nước đun sôi để nguội nấu chung với các loại cây lá cây khác để chống mối mọt, chống mốc và giữ hương cho áo được bền, được lâu".
Khi đã có đầy đủ nguyên liệu để kết thành áo bằng vỏ cây, người Cơ Tu bắt đầu tỉa tót các sợi cho bằng phẳng tương ứng với từng lứa tuổi. Mất hơn 30 ngày đêm, mới có thể làm xong một chiếc áo đẹp, mang hương thơm của cây rừng. Ông Trần Tấn Vịnh, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa đồng bào các dân tộc ở miền Trung- Tây nguyên cho biết, đồng bào Cơ Tu trước đây rất thích mặc bộ đồ này, nhất là khi đi sắn bắn để đôi tay được thoải mái. Còn vào mùa đông thì họ kết thêm vỏ cây vào để tấm áo dày thêm mới giữ ấm được cơ thể.
Tại huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam hiện còn rất ít nghệ nhân người Cơ Tu biết được nghệ thuật làm áo bằng vỏ cây. Từ việc vào rừng lột vỏ cây đến công đoạn bóc vỏ, khâu áo là cả một quá trình gửi gắm tâm hồn của người khâu áo đến với chiếc áo, điều mà được người Cơ Tu xem như niềm tự hào của dân tộc mình.
Vào các dịp lễ hội như Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em… Những tấm áo này được già làng, nam nữ thanh niên mặc vào múa điệu tăng tung da dá truyền thống của người Cơ Tu vang vọng giữa núi rừng./.
Độc đáo phong tục đón xuân của đồng bào Mông Tây Bắc
Độc đáo phong tục dựng nhà sàn của người Tày Tây Bắc