Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có dân tộc Thái trắng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc của người Thái Tây Bắc, như “ lễ hội xíp xí", lễ hội gội đầu, lễ hội hạn khuống,…Trong đó, phải kể đến lễ hội cầu mưa, một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm đối với người Thái bản địa.
Bà con đi xin nước về làm lễ |
Người xưa kể rằng, vào một năm nọ, nơi này xảy ra hạn hán rất lâu, không có nước, hoa màu, vạn vật đều bị chết khô. Vì vậy, bà con đã tụ tập lại, bàn nhau làm thế nào để có mưa xuống cho muôn loài được sinh sôi, nảy nở. Nhưng bàn nhau mãi không được, do không có dòng họ nào dám đứng lên xin “Then” (trời) cho mưa xuống vì sợ Then phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng nếu ông Then phạt, bắt phải chết, bà không lo sợ nữa, chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Thương người đàn bà góa mà có tấm lòng vì bản mường, dân bản cùng nhau lập lễ cầu xin ông trời ban mưa. Từ đó, cứ đến ngày 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội “cầu mưa” được tổ chức.
Nhịp chống, chiêng mở đầu cho lễ hội, bà con trong bản tụ tập đông đủ cùng thầy mo ra mó nước và xin phép gánh nước về làm lễ. Trong đoàn đi lấy nước, vai trò của bà góa rất quan trọng. Theo sau thầy mo và sính lễ, bà góa là người xin nước đầu tiên tiếp đến mới là đại diện dân bản. Khi đoàn đi lấy nước trở về tới địa điểm tổ chức lễ hội, một người đại diện cho ông Then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ.
Các lễ vật trong lễ cầu mưa |
Thầy mo ngồi dưới, cùng với những người vừa đi lấy nước về, dân bản ngồi xung quanh phía sau. Nước lấy về được dựng quanh cây nêu. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông trời ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Kết thúc bài cúng, ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng, để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó ông Then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào tất cả bà con dân làng đến dự lễ.
Ông Hà Văn Thu, trưởng bản Nà Bó 1 cho biết, để tổ chức lễ hội cầu mưa, bà con dân làng đã phải chuẩn bị cách đó 1 tháng, các công việc chuẩn bị được giao cho từng người. Vật dụng không thể thiếu trong lễ là cây nêu được làm khá cầu kỳ được gọi là cây hoa vạn vật. Cây nêu này phải là một cây tre thẳng, dài khoảng 2 mét rưỡi được trang trí những cành hoa ban trắng, những bông lau, xung quanh treo nhiều hình chim muông thú rừng, cá tôm dưới nước, cùng những vật dụng thường ngày được bà con dùng tre đan thành những hình cái quạt nhỏ, những chiếc rổ rá, cày, bừa, dao, thuổng tượng trưng…
Cây nêu trong lễ cầu mưa |
Đồ sinh lễ không thể thiếu 1 con gà cúng thổ công thổ địa, 1 con gà cúng ông Then cầu mưa, 1 con cá chép, vòng bạc, mâm gạo trắng, xôi 3 màu, hoa quả, 7 quả trứng gà, cùng nhiều sản vật gắn liền với đời sống hằng ngày của bà con như măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, gạo nếp, gà luộc... Bà con người Thái ở đây quan niệm như vậy mới thể hiện được tấm lòng thành kính của dân bản với trời đất, thần linh.
Kết thúc lễ hội, bà con cùng nhau nâng chén rượu mừng, cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xua tan bệnh tật. Sau đó, trong niềm hân hoan, họ cùng nhau đi trồng cây để gìn giữ nguồn nước, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp bờ mương, bờ suối để nước không bị ứ đọng, nước vào đồng ruộng thông suốt./.