Người Mông xanh còn được biết đến với tên gọi “Mơ piu”. Theo cách giải thích của người dân thì “Mơ piu” có nghĩa là Mông xanh. Địa bàn cư trú duy nhất tại xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thuộc nhóm ngôn ngữ Mông– Dao (gồm ba dân tộc đó là Mông, Dao và Pà Thẻn). Đây là một trong bốn nhóm ngành Mông của tỉnh Lào Cai còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.
Cót phơi thóc của người H'mông Xanh. |
Cót phơi thóc của người Mông xanh là dụng cụ để phơi thóc sau khi thu hoạch hoặc dùng để lót bên dưới khi đập lúa. Dụng cụ này có tác dụng giữ cho hạt thóc không bị ẩm do hấp hơi từ đất bốc lên. Đây là một nông cụ không thể thiếu với mỗi gia đình người Mông xanh ở thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, mà các dân tộc khác ít có.
Khác với những loại cót thông thường, cót của người Mông xanh là loại to, hình vuông, có kích thước 5x5m, các nan đan được làm hoàn toàn từ phần vỏ của hàng trăm cây vầu. Để làm được một tấm cót như vậy, việc chọn nguyên liệu được người Mông xanh rất chú trọng.
Vào khoảng tháng 5 tháng 6 âm lịch, những người đàn ông bắt đầu vào rừng để chặt vầu đan cót. Vầu được chọn phải là cây bánh tẻ, thân thẳng dài, không được cụt ngọn thể hiện quan niệm của người Mông về mong ước cho công việc trồng lúa được thuận lợi từ đầu đến cuối. Sau khi chặt vầu, họ chẻ nan ngay trong rừng để loại bỏ ruột, lấy phần cật dùng làm nan đan. Những nan vầu đã chẻ được cuộn tròn lại để dễ dàng việc vận chuyển. Thời gian chặt vầu và chẻ nan kéo dài từ 5-7 ngày mới hoàn thành.
Kỹ thuật viền xung quanh tấm cót của người Mông xanh là cách đồng bào sử dụng dây rơm dài được tết ba từ những sợi rơm khô vàng óng ả. |
Các nan vầu mang về phải để trên gác bếp khoảng 3 tháng mới đem ra đan để tăng độ dẻo dai cho cót. Để đan được tấm cót cần 6-7 người và đan trong khoảng thời gian 1 tuần. Mỗi dịp như vậy các hộ gia đình người Mông ở thôn Tu Thượng lại đổi công cho nhau. Gia đình đan cót sẽ nấu cơm cho những người giúp đan, không khí rộn ràng như ngày hội của thôn bản. Kỹ thuật đan cót là đan nóng đôi khít vào nhau, các nan đan hoàn toàn là vỏ cây vầu được chẻ to hơn dày hơn nan đan cót thường gặp nên tấm cót của người Mông xanh nặng hơn và chắc chắn hơn.
Kỹ thuật viền xung quanh tấm cót của người Mông xanh là cách đồng bào sử dụng dây rơm dài được tết ba từ những sợi rơm khô vàng óng ả. Những sợi rơm được nối tiếp nhau, chạy dài, tạo ra độ dài vừa đủ với kích thước của tấm cót. Cót sau khi đan xong sẽ tiếp tục được cuộn lại phơi trên gác bếp chừng vài tháng để tăng độ bền trước khi mang ra sử dụng.
Chiếc cót phơi thóc của người Mông xanh là hiện vật độc đáo ít phổ biến ở các dân tộc khác, thể hiện sự sáng tạo, khéo léo trong kỹ thuật chế tác của tộc người. Đồng thời gửi gắm trong đó mong muốn về cuộc sống đầy đủ ấm no cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Hiện nay, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với sự giao lưu buôn bán tại các chợ phiên, người Mông xanh ở thôn Tu Thượng dần làm quen với những tấm bạt ni lông bởi sự tiện lợi, gọn nhẹ của chúng mang lại. Do đó, việc nhu cầu sử dụng của người dân giảm sẽ làm cho hiện vật ngày càng trở nên ít dần khiến cho nghề đan cót ở đây cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một./.