“Tại sao Điện ảnh Việt Nam lại còm cõi về mặt số lượng cũng như chất lượng đến như vậy? Chúng ta hãy bắt đầu từ một nghịch lý đang hiện ra trước mắt: Đội ngũ Điện ảnh Việt Nam hôm nay đã đông đảo hơn trước rất nhiều, máy móc kỹ thuật cũng đã được nâng cấp rất nhiều - ấy vậy mà số lượng, chất lượng phim cứ ngày càng ít ỏi, teo tóp đi một cách đáng e ngại!!!”  - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khẳng định.

dien-anh.jpg
Một cảnh trong phim "Long thành cầm giả ca"

Cơ hội nhiều, nắm bắt được bao?

Năm 2010 là năm có hàng loạt dự án phim nghệ thuật và phim thương mại, giải trí cũng như những liên hoan phim lớn được tổ chức tại Việt Nam. Đầu tiên là giải Cánh Diều vàng, tiếp đó là một liên hoan được cho là “khủng” - LHP Quốc tế tại Việt Nam. Đây là LHP đầu tiên mà Việt Nam mở rộng phạm vi ra thế giới. Một sự kiện rất quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế bằng việc mời các nước gửi phim đến trình chiếu, phổ biến các kinh nghiệm, dịch vụ… qua các hội thảo về điện ảnh. Đặc biệt, đây là cơ hội cọ xát hữu hiệu nhất giữa các nhà làm phim Việt Nam và quốc tế. Các nhà làm phim có thể đưa ra tiếng nói của mình, cùng với các đoàn phim tham gia thảo luận và tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, sau nhiều cơ hội như vậy, nhưng gần như điện ảnh Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Hay nói theo cách của nhiều người là “Điện ảnh Việt Nam đang bay bằng… một cánh”. Các hội thảo trong khuôn khổ LHP với những vấn đề bức thiết như làm thế nào để có được một nền công nghiệp điện ảnh, cách làm phim 3D, cách tiết kiệm chi phí làm phim… đều diễn ra trong sự tẻ nhạt. Các nhà làm phim thờ ơ với chính những cuộc bàn luận dành cho họ. Bởi toàn những chuyện “cũ không thể cũ hơn”, “nói ra mà chẳng đi đến đâu”.

Các chuyên gia ngoại cũng chỉ biết lắng nghe các phát biểu từ phía Việt Nam. Những ý kiến của họ chỉ dừng ở mức tham khảo vì quá chung chung và “khách sáo”. Điều cốt lõi, nền điện ảnh của họ quá xa lạ với điện ảnh Việt Nam, những cụm từ như “bao cấp”, “thiết bị triệu đô nằm đắp chiếu”, “không có trường quay”, sự ì ạch của cả một hệ thống… là những điều họ không tưởng tượng nổi, vậy nên khó có thể biết góp ý điều gì.

“Cơ thể” điện ảnh đang còm cõi

Theo nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, chắc chắn một điều không thể phủ nhận, đó là: Cơ thể Điện ảnh Việt Nam đang ngày càng xanh xao, còm cõi đi về mặt số lượng! Điều này được thể hiện ở chỗ mỗi lần có một LHP được tổ chức trong nước, hầu như tất cả các phim đã sản xuất và mới được sản xuất đều được cấp tốc cử đi dự thi. Bởi thế chúng ta có quá nhiều “phim hoa hậu” và “phim á hậu”. Nhưng trên thực tế thì một số “hoa hậu” và “á hậu” đó - nếu lấy thước đo nghiêm cẩn của bộ môn Nghệ thuật Thứ bảy, có khi họ chỉ cao độ… một mét tư, có khi họ mang cả vòng eo, vòng mông, vòng ngực bằng nhau...

Chúng ta hãy bắt đầu từ một nghịch lý đang hiện ra trước mắt: Đội ngũ Điện ảnh Việt Nam hôm nay đã đông đảo hơn trước rất nhiều, máy móc kỹ thuật cũng đã được nâng cấp rất nhiều - ấy vậy mà số lượng phim cứ ngày càng ít ỏi, teo tóp đi một cách đáng e ngại!!!

Không những thế, điện ảnh Việt Nam 2010 còn quá… chậm chạp do thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn, có nhiều dự án với nhiều đề tài phong phú, được thực hiện bởi những ê kíp làm phim nhiều kinh nghiệm cùng những thể nghiệm, cách làm mới mẻ... Như đề tài về Bác Hồ có bộ phim khắc họa hình ảnh thời trẻ của Người mang tên "Vượt qua bến Thượng Hải", đề tài chiến tranh có "Mùi cỏ cháy"… Đặc biệt đề tài về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có hàng loạt phim như "Tây Sơn hào kiệt", "Long thành cầm giả ca", "Chiếu dời đô", "Khát vọng Thăng Long"… Nhưng đúc kết, số dự án hoàn thành đúng tiến độ lại là con số không, chưa tính đến chuyện hay hay dở.

Cũng theo nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, phim Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức… “sắp hay”. Chính chúng ta đã phá vỡ thị trường điện ảnh và đánh mất khán giả ngay trên mảnh đất của mình. Tỷ lệ 150 phim ngoại/10 phim nội là một cuộc “so găng” mang tính hữu nghị và hội nhập rất cao, nhưng không cân sức. Rõ ràng, các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đang phải chiến đấu trên một “mặt trận” cam go.

Ông Michael Digregorio, cựu thành viên Quỹ Ford tại Việt Nam, cho rằng, cần có nhiều đoàn làm phim chuyên nghiệp hơn để các nhà làm phim quốc tế đến đây có thể tận dụng nhân công tại chỗ thì mới có nhiều sản phẩm… đáng giá. Ông cũng lưu ý về mặt bối cảnh làm phim, đặc biệt với phim lịch sử. “Trước đây, những công ty nước ngoài đến Việt Nam để làm phim về cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, họ dễ dàng tìm bối cảnh phù hợp ở các thành phố. Tuy nhiên, thời gian tới, với sự thay đổi chóng mặt của Việt Nam, các khu phố cổ, biệt thự Pháp, khu bờ sông… có nguy cơ biến mất”./.