Một sự kiện văn hóa đang diễn ra giữa thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Di sản 23/11 và kỷ niệm 10 năm  Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, hoạt động hướng đến Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Một miền di sản được tái hiện giữa lòng thủ đô đủ làm say lòng du khách.

Bất chấp cái lạnh của đầu đông, người Hà Nội như mê say trong không gian huyền ảo của khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An qua sự tái hiện những mô hình và tài biểu diễn khá tự nhiên của các diễn viên quần chúng, những công dân xứ Quảng thứ thiệt vừa từ miền Trung ra.

Vu-dieu-Cham.jpg

Người nghệ sĩ Balamon khoan thai điểm từng tiếng trống Pa-ra-nưng, trong khi những người bồi tế thắp lửa dưới chân tháp. Đoàn người dâng Lễ tế thần tiến dần về phía ngôi tháp Chăm cổ kính, trầm mặc trong tiếng kèn Xaranai vừa dìu dặt, vừa hối thúc của nghệ nhân Trượng Tốn. Một Mỹ Sơn huyền ảo hiện ra như đưa du khách lạc về một thời vàng son của nền văn hóa Chăm Pa. Và từ trong ánh sáng mờ ảo, linh thiêng ấy, những thiếu nữ Chăm Pa thân hình uyển chuyển trong điệu múa Apsarra khiến du khách ngỡ ngàng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của những vị nữ thần vừa bước ra từ pho tượng cổ.

Lễ thần bên tháp Chàm

Chị Lương Thị Thùy Linh, một du khách Hà Nội cảm nhận: “Hôm nay, tôi mới được chứng kiến những sự kiện mà trước đây chỉ thấy trên ti vi. Rất nhiều tiết mục hấp dẫn, không khí rộn ràng, những bản nhạc và những buổi trình diễn thời trang, viết thư pháp, múa Chăm. Từ một Hội An được tái hiện ở Hà Nội, tôi cảm thấy yêu quê hương đất nước của mình hơn. Không chỉ gìn giữ mà cần phải giới thiệu cho nhiều người cùng biết về Hội An, Quảng  Nam, về đất nước mình nhiều hơn nữa”. 

Xuôi dòng Thu Bồn, du khách về với phố cổ Hội An. Bên chùa Cầu cổ kính, dọc con phố cổ rêu phong, sông Hoài lung linh ánh nến trong đêm nguyện cầu. Xa xa, tiếng chuông chùa quyện trong sương mai, mấy cô gái áo dài guốc mộc gánh hoa ra chợ,  người đàn ông mà năm tháng đã oằn vai với gánh chè Xí mà; mấy cô thiếu nữ Nhật, thiếu nữ Hoa lộng lẫy trong kimono, xườn xám đi dạo phố Hoài… một bác phu xe mỏi mệt ngửa nón quạt mồ hôi bên chùa Cầu….

Tiếng trống hội bài chòi rộn rã, một trò chơi dân dã nhà quê ở Hội An mà ai cũng có thể tham gia, bên chân chùa Cầu, mấy cụ già áo the khăn xếp ngồi đánh cờ trong ánh nến lung linh, một nhóm nhạc gia đình dưới trăng, mấy ông bà trong câu lạc bộ thơ ngâm nga bài thơ cho vơi nỗi nhớ quê hương, bên cầu Cẩm Nam, mấy đôi trai gái hát đối đáp, trẻ nhỏ chơi trò bịt mắt đập nồi, hay một đám rước dâu đi giữa nhứng hàng cau...

Quá khứ đang ùa về giữa lòng Hà Nội. Du khách ngỡ ngàng, xao xuyến với Đêm rằm phố cổ Hội An, với hình ảnh của một thương cảng sầm uất cuối dòng Thu Bồn mấy trăm năm trước.

Anh Mark Milberg, du khách Ailen tỏ vẻ thán phục: “Tôi cũng như nhiều khách  nước ngoài khác rất là vui khi được nhìn thấy Di sản Hội An, Mỹ Sơn được tái hiện giữa lòng Hà Nội. Mong là các thế hệ sau cũng sẽ được tiếp nhận và được nhìn thấy vẻ đẹp thế này. Tôi nghĩ là cần phải gìn giữ những giá trị này cho thế hệ sau”.

Đèn lồng phố Hội

Tuần Văn hóa du lịch Quảng Nam tại Hà Nội còn trưng bày 200 hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, tượng gỗ của dân tộc K'Tu, đàn đá Xê Đăng, gốm sứ Chu Đậu khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm, sản phẩm làng nghề đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng phố Hội… những sản vật quí như sâm Ngọc Linh, yến sào Hội An, trầm mỹ nghệ Tiên Phước, quế Trà My… các món ăn truyền thống được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực xứ Quảng như mì Quảng, cao lầu, bánh vạc, khô mè… đã có mặt làm vui lòng thực khách.

Người Hà Nội không chỉ có dịp biết đến một Quảng Nam với 2 Di sản văn hóa thế giới mà còn hiểu hơn về Quảng Nam, những người luôn trân trọng giữ gìn vốn văn hóa quí báu của cha ông và luôn hướng về Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến.

Ông Huỳnh Văn Anh, ở ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội cho rằng: Hội An giữ được như thế là nhờ người dân có ý thức giữ gìn. Từ kiến trúc cho đến phong cách sống: “Mấy mươi năm trước, phố cổ Hà Nội còn đẹp lắm... Bây giờ đã bị phôi phai nhiều, thật đáng tiếc. Bản sắc của Hà Nội cổ mất đi rất nhiều. Làm thế nào để khôi phục điều đó. Dân số tăng, chỗ ở chật chội… Tôi nghĩ là vẫn có thể khôi phục được, nhưng nhà nước phải giúp đỡ, có chính sách hỗ trợ giãn dân ra khỏi phố cổ, dành không gian thì mới có thể  khôi phục được phố cổ …”

Còn ông Trần Thanh Sơn, công tác ở Viện kỹ thuật nhiệt đới thì cho rằng: “Phải bắt đầu từ con người. Chính quyền có biện pháp đã đành nhưng từng người dân phải gắn bó lợi ích của mình với việc bảo vệ phố cổ. Ở Hội An người ta làm được là nhờ vậy. Hà Nội có thuận lợi là nguồn du khách rất đông. Hội An có phố đêm, chợ đêm. Từ năm 75 sau giải phóng, người Hội An đã bảo vệ phố cổ rồi…”

Và với  ý nghĩa như vậy, Tuần Văn hóa – Du lịch Quảng Nam tại Hà Nội trở thành sợi dây kết nối bền chặt về sự giao lưu, gắn bó giữa người dân Quảng Nam với Hà Nội, kết nối giữa 2 miền miền văn hóa, 2 miền di sản./.